Ông Trần Mạnh Hùng (Hưng Yên) là giáo viên hợp đồng tại trường THCS từ trước năm 2015, có đóng BHXH. Ông có bằng cử nhân Ngữ văn, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm môn Ngữ văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cấp tháng 6/2012.
Thực hiện công văn của Bộ Nội Vụ về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ năm 2015 trở về trước, căn cứ tiêu chuẩn, UBND huyện thông báo ông Hùng nộp hồ sơ để tuyển dụng đặc cách vào biên chế.
Ông Hùng đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tiếp nhận vào làm viên chức. Tuy nhiên, khi thực hiện tiếp nhận theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nội vụ lại không chấp nhận chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm của ông được cấp năm 2012 mà yêu cầu phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới theo Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT.
Bất cập ở đây là hiện nay chưa ai có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm có ghi cấp học THCS theo Thông tư mới này, mà ít nhất tháng 7/2022 mới có khóa đầu tiên được cấp chứng chỉ.
Ông Hùng hỏi, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũ của ông có còn giá trị trong việc xét tuyển đặc cách vào viên chức hay không? Sở Nội vụ có thể đặc cách ông vào biên chế rồi cho bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ mới sau có được không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019, trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên tiểu học, THCS là có bằng cử nhân thuộc “ngành đào tạo giáo viên” trở lên, trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp để có giải pháp phù hợp với những giáo viên có bằng cử nhân, đã tham gia giảng dạy và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các cơ sở đào tạo sư phạm cấp.
Nguồn tin: Baochinhphu.vn