Ông Phan Thanh Sang (Bình Định) được hợp đồng làm việc ở Ban Tuyên giáo huyện và đóng BHXH từ ngày 1/6/2012. Ông tham gia kỳ thi tuyển dụng công chức năm 2015 và có quyết định tuyển dụng và bổ nhiệm vào ngạch 01.003 từ ngày 1/8/2015, bậc lương 1/9, hệ số 2,34, thời gian nâng lương lần sau tính từ ngày 1/6/2013.
Đến tháng 2/2023, thời gian đóng BHXH của ông để tính nâng lương là 10 năm 8 tháng. Quyết định nâng lương gần nhất của ông lên bậc 4/9, hệ số 3,33 từ ngày 1/1/2021. Ông Sang hỏi, ông có đủ điều kiện thời gian công tác để thi nâng ngạch lên chuyên viên chính không?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Tại điểm d khoản 3 Điều 30 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức có nêu: Trường hợp công chức trước khi được tuyển dụng hoặc được tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo đúng quy định của Luật BHXH, làm việc ở vị trí có yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp (nếu thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan có thẩm quyền tính làm căn cứ xếp lương ở ngạch công chức hiện giữ thì được tính là tương đương với ngạch công chức hiện giữ.
Tại điểm a khoản 5 Điều 6 Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư quy định: Có thời gian giữ ngạch chuyên viên và tương đương từ đủ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với ngạch chuyên viên thì thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 1 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
Nguồn: Baochinhphu.vn