Thông tư số 13/2022/TT-BNV ngày 31/12/2022 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2023.
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm
Theo Bộ Nội vụ, việc ban hành Thông tư nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, của pháp luật về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.
Bên cạnh đó, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, số lượng ngạch và cơ cấu ngạch công chức trong tổng số biên chế của cơ quan, tổ chức được giao, góp phần thực hiện mục tiêu “Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đồng thời, xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Ngày 01/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức. Theo đó, tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP đã giao: “Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể việc xác định cơ cấu ngạch công chức”. Do vậy, việc ban hành Thông tư là cần thiết.
Thông tư gồm 05 điều, trong đó:
– Điều 1, quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng;
– Điều 2, quy định căn cứ xác định cơ cấu ngạch công chức;
– Điều 3, quy định trình tự xác định cơ cấu ngạch công chức;
– Điều 4, quy định về tổ chức thực hiện;
– Điều 5, quy định hiệu lực thi hành.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Điều 2 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng bao gồm: bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể việc xác định cơ cấu ngạch công chức.
Vì vậy, Điều 1 Thông tư quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư là hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là bộ, ngành, địa phương).
Về việc xác định cơ cấu ngạch công chức:
Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP đã quy định 03 căn cứ xác định ngạch công chức là: (1) vị trí việc làm; (2) mức độ phức tạp của công việc đối với từng vị trí việc làm; (3) tiêu chuẩn ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm.
Để làm rõ hơn nội dung quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, Điều 2 Thông tư quy định việc xác định cơ cấu ngạch công chức được căn cứ vào:
– Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung do Bộ Nội vụ và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực hướng dẫn theo quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức.
– Mức độ phức tạp của công việc và số lượng biên chế công chức cần bố trí theo từng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức chuyên ngành tương ứng với vị trí việc làm.
Để khi cải cách tiền lương không phải sửa đổi Thông tư, đồng thời tại khoản 2 Điều 3 Thông tư có quy định khi xác định cơ cấu ngạch công chức của các cơ quan, tổ chức hành chính thì không tính công chức đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý, vì:
(1) Khi cải cách tiền lương thì lãnh đạo, quản lý được xếp lương theo chức vụ, chức danh (khi thôi giữ chức vụ thì có hướng dẫn chuyển xếp vào ngạch công chức);
(2) Về chức danh, vị trí và số lượng lãnh đạo, quản lý phụ thuộc vào vị trí của tổ chức theo tiêu chí do Chính phủ quy định (số lượng cấp phó của tổ chức).
Tuy nhiên, trong thời gian chưa cải cách tiền lương thì việc xếp ngạch, bậc và thi nâng ngạch đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vẫn được thực hiện theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng công chức.
Trình tự xác định cơ cấu ngạch công chức
Bộ Nội vụ cho biết, theo quy định của Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phê duyệt Đề án vị trí việc làm các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý (Khoản 3 Điều 7). Hồ sơ trình cơ quan, tổ chức thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bao gồm: đề án vị trí việc làm; trong đó, nội dung đề án vị trí việc làm gồm: … c) Xác định… ngạch công chức đối với từng vị trí việc làm; d) tổng hợp vị trí việc làm và cơ cấu ngạch của cơ quan, tổ chức (khoản 2 Điều 8).
Quy định như trên đã giao quyền cho người đứng đầu bộ, ngành, địa phương khi phê duyệt Đề án vị trí việc làm đã có nội dung xác định cụ thể cơ cấu ngạch công chức. Theo đó, tại Điều 3 Thông tư đã giao người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ này là phù hợp.
Trên cơ sở Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt (trong đó có nội dung về số lượng, cơ cấu ngạch công chức), người đứng đầu bộ, ngành, địa phương báo cáo về Bộ Nội vụ để theo dõi và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công chức, viên chức.
Thực hiện trình tự xác định cơ cấu ngạch công chức nêu trên thì thẩm quyền “quyết định và quản lý về số lượng ngạch và cơ cấu ngạch công chức” (Khoản 10 Điều 17 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP) của Bộ Nội vụ được thực hiện theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” vừa bảo đảm tính khả thi, vừa phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý cán bộ, công chức.
Cụ thể, căn cứ báo cáo của bộ, ngành, địa phương, nếu thấy số lượng và cơ cấu ngạch công chức của bộ, ngành, địa phương chưa hợp lý thì Bộ Nội vụ sẽ có ý kiến cụ thể với bộ, ngành, địa phương (Bộ Nội vụ không ban hành quyết định phê duyệt cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương khi bộ, ngành, địa phương tổng hợp báo cáo lần đầu về Bộ Nội vụ).
Tổ chức thực hiện
Thông tư quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xác định cơ cấu ngạch công chức và báo cáo kết quả xác định cơ cấu ngạch công chức của từng cơ quan hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý về Bộ Nội vụ để quản lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định tại khoản 10 Điều 17 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, tiếp theo nội dung quy định tại Điều 3 và để phù hợp với thực tiễn quản lý, tại khoản 3 Điều 4 Thông tư quy định: “Trường hợp có sự thay đổi về cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương kịp thời báo cáo Bộ Nội vụ để có ý kiến thống nhất trước khi tổ chức thực hiện”./.
Nguồn: xaydungchinhsach.chinhphu.vn