Đối với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đề nghị quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh.
Đây là nội dung trong công văn số 4536/BNV-TCBC của Bộ Nội vụ gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố về việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.
Cũng theo công văn trên, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp và tham mưu, đề xuất chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công.
Nhiều cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc
Bộ Nội vụ cho biết, thời gian qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để khắc phục tình trạng này đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, nghiên cứu triển khai, thực hiện một số giải pháp.
Theo đó, Đối với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đề nghị quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm tham mưu, hoàn thiện các quy định về xã hội hóa, định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước… làm cơ sở để Bộ, ngành, địa phương phê duyệt phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn
Theo Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc.
Bộ Nội vụ cũng yêu cầu đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ; khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc thông qua các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài một cách thiết thực, cụ thể, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, có cơ chế, chính sách thỏa đáng
Các bộ, ngành, địa phương cần quy hoạch, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính; đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động công vụ và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Riêng đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế, Bộ Nội vụ đề nghị hai đơn vị này chủ động nắm bắt định hình, phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp, tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong trình hình mới.
18 tháng có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc
Theo Bộ Y tế, hiện nay nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế cho biết báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 01/01/2021 – 30/6/2022 trên cả nước cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác).
Trong số này có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Phân tích của Bộ Y tế cho thấy trong 8.810 nhân viên y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các tỉnh, thành phố xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập có 2.795 bác sĩ, 2.640 điều dưỡng, 499 kỹ thuật y, 270 hộ sinh, 544 dược sĩ và 2.050 nhân viên khác.
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP Hồ Chí Minh (2.035), Thành phố Hà Nội (1.032), Đồng Nai (496), Bình Dương (368), An Giang (297), Long An (266), TP Đà Nẵng (248), TP Cần Thơ (238), Đồng Tháp (204).
Nguồn: Baochinhphu.vn