Bà Nguyễn Thị Hoa (Quảng Nam) tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán. Ngày 1/10/2010, bà ký hợp đồng thử việc tại Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện và đến ngày 1/11/2011, ký hợp đồng chính thức, với chức danh nhân viên kế toán, hưởng lương chuyên viên bậc 1 hệ số 2,34; có đóng BHXH.
Tháng 2/2015, bà Hoa dự thi và trúng tuyển công chức cấp xã, chức danh tài chính-kế toán. Yêu cầu của vị trí tuyển dụng là có trình độ đào tạo trung cấp kế toán, được xếp lương cán sự bậc 1 hệ số 1,86 và phải thực hiện chế độ tập sự 6 tháng với mức lương 85% của bậc 1.
Đến tháng 8/2015, bà hết thời gian tập sự và hưởng lương hệ số 1,86. Tháng 10/2015, bà được chuyển từ ngạch cán sự lên ngạch chuyên viên, hưởng lương bậc 1 hệ số 2,34 cho đến nay. Thời gian tính nâng bậc lương lần sau kể từ tháng 10/2015.
Bà Hoa hỏi, việc xếp lương khi tuyển dụng vào công chức xã đối với bà như vậy có đúng quy định không, khi bà đã có thời gian công tác đóng BHXH bắt buộc hơn 4 năm, đúng với chuyên môn nghiệp vụ được tuyển dụng và cách tính thời gian nâng bậc lương lần sau có đúng không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Hoa hỏi như sau:
Ngày 5/12/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường thị trấn. Khoản 2, Điều 21 Nghị định này quy định, trường hợp người được tuyển dụng vào công chức cấp xã đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc, chưa nhận trợ cấp BHXH một lần, được bố trí chức danh theo đúng chuyên ngành đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc được tính để làm căn cứ xếp lương phù hợp với chức danh công chức được tuyển dụng (trừ thời gian tập sự, thử việc theo quy định), thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc nếu đứt quãng thì được cộng dồn.
Ngày 20/10/2012, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 06/2012/TT-BNV hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn. Điều 19 Thông tư này hướng dẫn việc xếp lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc khi được tuyển dụng vào công chức cấp xã quy định tại Khoản 2, Điều 21 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP được xếp lương theo ngạch công chức hành chính quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH.
Việc xếp lương đối với từng trường hợp được thực hiện như sau:
Căn cứ vào thời gian đóng BHXH bắt buộc (trừ thời gian tập sự, thử việc theo quy định) tương ứng với trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ của từng trường hợp để thực hiện xếp vào bậc lương trong ngạch công chức hành chính quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT theo nguyên tắc sau:
Cứ sau mỗi khoảng thời gian 3 năm (đủ 36 tháng) nếu có đóng BHXH bắt buộc theo trình độ đào tạo đại học trở lên thì được xếp lên 1 bậc lương trong ngạch chuyên viên (mã số 01.003), nếu có đóng BHXH bắt buộc theo trình độ đào tạo cao đẳng thì được xếp lên 1 bậc lương trong ngạch chuyên viên cao đẳng (mã số 01a.003); cứ sau mỗi khoảng thời gian 2 năm (đủ 24 tháng) nếu có đóng BHXHbắt buộc theo trình độ đào tạo dưới cao đẳng thì được xếp lên 1 bậc lương trong ngạch có trình độ đào tạo tương ứng.
Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương trong ngạch công chức hành chính đối với công chức cấp xã theo nguyên tắc nêu trên, nếu có số tháng chưa đủ 36 tháng đối với ngạch chuyên viên và ngạch chuyên viên cao đẳng hoặc chưa đủ 24 tháng đối với ngạch yêu cầu trình độ đào tạo dưới cao đẳng thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau trong ngạch công chức hành chính được xếp.
Trường hợp được tính xếp vào bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức hành chính mà vẫn còn thừa thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc thì thời gian công tác còn thừa này được tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung như sau: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) đối với ngạch chuyên viên và ngạch chuyên viên cao đẳng và sau 2 năm (đủ 24 tháng) đối với ngạch yêu cầu trình độ đào tạo dưới cao đẳng được tính hưởng 5%, cứ mỗi năm tiếp theo (đủ 12 tháng) được tính hưởng thêm 1%.
Khi thực hiện xếp lương và tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, theo nguyên tắc nêu trên, nếu trong thời gian công tác của người được xếp lương có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật (khiển trách hoặc cảnh cáo) thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc cứ mỗi lần bị kỷ luật bị trừ 6 tháng; nếu bị kỷ luật giáng chức, cách chức thi cử mỗi lần bị kỷ luật bị trừ 12 tháng; nếu có năm vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa bị kỷ luật thì thời gian bị trừ của năm đó chỉ tính theo thời gian bị trừ của hình thức bị kỷ luật.
Việc hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu
Sau khi xếp lương theo quy định nêu trên, nếu có hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có) được xếp theo ngạch công chức hành chính thấp hơn so với hệ số lương đã hưởng tại thời điểm được tuyển dụng vào công chức cấp xã thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương đã hưởng.
Hệ số chênh lệch bảo lưu này giảm tương ứng khi công chức cấp xã được nâng bậc lương, được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung trong ngạch công chức hành chính được xếp hoặc khi được xếp lương vào ngạch công chức hành chính cao hơn.
Căn cứ vào quy định này, Chủ tịch UBND cấp huyện phải đề xuất việc xếp lương cụ thể đối với từng trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc khi được tuyển dụng vào công chức cấp xã và có văn bản (kèm theo bản sao sổ BHXH được cơ quan có thẩm quyền xác nhận của từng trường hợp) đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh thống nhất ý kiến trước khi quyết định.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Hoa, nếu có quá trình công tác có đóng BHXH bắt buộc trước khi được tuyển dụng vào công chức tài chính–kế toán cấp xã đúng như bà phản ánh, thì việc xếp lương khi tuyển dụng đối với bà Hoa chưa phù hợp với hướng dẫn tại Điều 19 Thông tư số 06/2012/TT-BNV. Bà Hoa có thể gửi đơn đề nghị Chủ tịch UBND huyện, Phòng Nội vụ xem xét, xếp lại lương theo quy định.
Nguồn: Baochinhphu.vn