Bà Phan Thị Minh Cường (Đắk Lắk) đang công tác ở vùng I thì được luân chuyển đến vùng đặc biệt khó khăn, thời hạn 3 năm. Hết thời hạn luân chuyển, bà Cường không được sắp xếp về lại nơi công tác ban đầu.
Theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bà Cường được hưởng phụ cấp công tác lâu năm tại vùng đặc biệt khó khăn.
Ngày 8/10/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP, bãi bỏ Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, bà Cường bị cắt phụ cấp lâu năm. Bà Cường hỏi, bà có được hưởng phụ cấp lâu năm nữa không?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Hiện tại chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ.
Theo đó, tại Điều 5 của Nghị định này quy định phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, cụ thể như sau:
“Mức 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm; mức 0,7 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm; mức 1,0 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên”.
Như vậy, nếu bà Phan Thị Minh Cường đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm trở lên sẽ được hưởng phụ cấp lâu năm theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ.
Nguồn: Baochinhphu.vn