Bà Tạ Thị Lộc đến công tác tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vào năm 2008. Tháng 3/2008, bà ký hợp đồng theo diện trong chỉ tiêu biên chế, không xác định thời hạn. Tháng 9/2010, bà được tuyển dụng vào biên chế và đến tháng 8/2019, bà được chuyển về đồng bằng thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Ngày 24/12/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, huyện Tây Giang đã trở thành vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Tính hết ngày 30/7/2019, thời gian công tác của bà Lộc tại vùng đặc biệt khó khăn là 11 năm 6 tháng.
Trong thời gian công tác tại huyện Tây Giang, bà có nghỉ chế độ thai sản là 12 tháng. Theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP thì thời gian nghỉ thai sản không tính vào thời gian để hưởng các phụ cấp, trợ cấp của Nghị định. Thời còn lại của bà là 10 năm 4 tháng.
Bà Lộc hỏi, người được hưởng trợ cấp chuyển vùng theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP được tính từ thời gian bắt đầu công tác tại vùng đặc biệt khó khăn hay là được tính thời gian được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước? Thời gian còn lại 10 năm 4 tháng bà có được hưởng trợ cấp chuyển vùng không?
Bộ Nội vụ trả lời vấn đề này như sau:
Điều 8 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn quy định:
“Điều 8. Trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu
1. Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này đang công tác và có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau: Mỗi năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được trợ cấp bằng 1/2 (một phần hai) tiền lương tháng hiện hưởng, bao gồm: Mức lương chức vụ, ngạch, bậc hoặc cấp hàm và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có tại thời điểm chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu.
3. Thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nếu có tháng lẻ thì được tính như sau:
a) Dưới 03 (ba) tháng thì không tính;
b) Từ đủ 03 (ba) tháng đến đủ 06 (sáu) tháng thì được tính bằng 1/2 (một phần hai) năm công tác;
c) Từ trên 06 (sáu) tháng đến 12 (mười hai) tháng thì được tính bằng 01 (một) năm công tác”.
Điều 5 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC ngày 31/8/2011 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 116/2010/NĐ-CP hướng dẫn:
“Điều 5. Hướng dẫn về trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng quy định tại Điều 6 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP
1. Đối tượng và mức trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.
2. Trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP được tính theo giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức khoán trên cơ sở số km đi nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông thường (tàu, thuyền, xe ôtô khách).
3. Trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng và trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nơi tiếp nhận, bố trí phân công công tác chi trả một lần”.
Việc tổ chức thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Đề nghị bà Lộc liên hệ với cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Quảng Nam để được giải đáp cụ thể.
Nguồn: Baochinhphu.vn