Theo dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh giáo viên phổ thông công lập, giáo viên hạng I cần có trình độ thạc sĩ. Có ý kiến băn khoăn “yêu cầu cao” này sẽ dẫn đến việc giáo viên đổ xô học sau đại học, đào tạo thạc sĩ từ đó sẽ tràn lan.
Vậy, giáo viên hạng I có thực sự cần trình độ thạc sĩ hay không?
Trước hết, cần hiểu rằng, “hạng chức danh nghề nghiệp” là cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng ngành, lĩnh vực; “thăng hạng chức danh nghề nghiệp” là khi viên chức được bổ nhiệm giữ chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn. Mỗi chức danh nghề nghiệp được liệt kê chi tiết và cụ thể những công việc (nhiệm vụ) phải thực hiện có mức độ phức tạp tương ứng, bên cạnh đó là mức lương tương xứng với vị trí việc làm, nhiệm vụ mà viên chức phải thực hiện.
Với viên chức giáo viên cũng vậy. Phân hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên phổ thông căn cứ vào mức độ phức tạp của những nhiệm vụ mà giáo viên được giao. Theo đó, hạng càng cao, giáo viên sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ có độ phức tạp khó hơn so với giáo viên hạng thấp.
Với giáo viên hạng I (hạng cao nhất), nhiệm vụ được thiết kế gắn với những yêu cầu cụ thể. Trong đó, có khả năng sử dụng được kiến thức ngành, chuyên ngành, liên ngành; có kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực khoa học chuyên ngành, hoặc kỹ năng vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp, hoặc khả năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo, có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề chuyên môn giảng dạy trong trường phổ thông… Yêu cầu này phù hợp với mục tiêu đào tạo thạc sĩ theo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành. Như vậy cũng có nghĩa, giáo viên có trình độ thạc sĩ mới đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ mà giáo viên hạng I phải thực hiện.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Giáo dục 2019, yêu cầu tối thiểu của giáo viên phổ thông là trình độ đại học; nên giáo viên ở hạng cao nhất phải có trình độ thạc sĩ thiết nghĩ cũng phù hợp. Chưa kể, việc thăng hạng là không bắt buộc. Chỉ khi giáo viên có nguyện vọng đạt tới hạng cao hơn mới cần phấn đấu đáp ứng các tiêu chuẩn của hạng tương ứng; từ đó cũng được khẳng định về vị thế nghề nghiệp, hưởng lợi về tiền lương sau khi thăng hạng. Cách làm này sẽ tạo một “sân chơi” lành mạnh, khắc phục tình trạng cứ “sống lâu” lên “lão làng”. Để đạt đến bậc cao hơn trong nghề nghiệp, giáo viên phải thực sự nỗ lực, phấu đấu bằng thực lực. Tinh thần tự học, học suốt đời cũng là yêu cầu không thể thiếu với đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Nhưng nếu yêu cầu trình độ thạc sĩ với giáo viên hạng I, liệu có dẫn đến tình trạng thầy cô sẽ ồ ạt đi học thạc sĩ, kéo theo đào tạo tràn lan? Có thể khẳng định, lo lắng này là thiếu căn cứ.
Theo quy định, UBND cấp tỉnh phải xây dựng, ban hành chế độ khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác. Đồng thời, xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý; cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng theo thẩm quyền (theo Điều 42 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức). Như vậy, việc giáo viên được đào tạo thạc sĩ là do UBND các tỉnh, thành phố cử theo kế hoạch và đề án, chứ không có chuyện giáo viên phổ thông sẽ ồ ạt đi học thạc sĩ.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục có ngành đào tạo giáo viên xác định chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ được tính bằng quy mô đào tạo tối đa theo năng lực, đáp ứng đồng thời các tiêu chí như: Giảng viên cơ hữu ngành phù hợp, tiêu chí cơ sở vật chất và thiết bị, nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, địa phương và của ngành. Bộ GD&ĐT cũng đang kiểm soát việc xác định chỉ tiêu, thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục, để hạn chế tình trạng các trường đại học, viện khoa học mở lớp, sẽ chiêu sinh tràn lan ở địa phương.
Có thể nói, khi đưa ra một quy định mới, các yếu tố đã được tính đếm phù hợp để đúng luật, đồng thời bảo đảm quyền lợi đội ngũ, tạo động lực để nhà giáo phấn đấu, khẳng định bản thân, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Nguồn: giaoducthoidai.vn