Công chức là người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Vậy công chức có được kinh doanh để tăng thu nhập?
Công chức không được thành lập, quản lý doanh nghiệp
Điều 18 Luật Doanh nghiệp nêu rõ, tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam trừ các trường hợp:
– Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản Nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình
– Cán bộ, công chức, viên chức
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác…
Bên cạnh đó, theo Điều 4 Luật trên, người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và doanh nghiệp tư nhân gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân; Thành viên hợp danh; Giám đốc hoặc tổng giám đốc… có quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo Điều lệ.
Đồng thời, Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành cũng quy định, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được:
– Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp danh, hợp tác xã.
– Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định.
Từ những căn cứ trên, có thể khẳng định, công chức không được thành lập, quản lý doanh nghiệp. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu cực, phòng tránh tham ô, tham nhũng.
Công chức được kinh doanh dưới hình thức nào?
Tuy không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, bệnh viện, trường học tư, bán hàng đa cấp như nêu trên, công chức có thể tham gia các hình thức kinh doanh khác mà pháp luật không cấm để tăng thu nhập.
Cụ thể như, công chức có thể thành lập, tham gia hộ kinh doanh. Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định, hộ kinh doanh cá thể được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Không chỉ vậy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, cán bộ, công chức, viên chức, tuy không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp nhưng có thể tham gia góp vốn ở từng loại hình doanh nghiệp, cụ thể như sau:
– Công ty cổ phần: cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tham gia với tư cách là cổ đông góp vốn mà không được tham gia với tư cách là người trong hội đồng quản trị vì thành viên Hội đồng quản trị là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn: cán bộ, công chức, viên chức không thể tham gia góp vốn ở loại hình doanh nghiệp này vì khi tham gia góp vốn, người góp vốn đương nhiên là thành viên Hội đồng thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn, mà thành viên Hội đồng thành viên có vai trò quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014.
– Công ty hợp danh: cán bộ, công chức, viên chức chỉ có thể tham gia với tư cách là thành viên góp vốn, không được tham gia với tư cách là thành viên hợp danh vì thành viên hợp danh là người quản lý công ty hợp danh theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014.
Căn cứ theo các quy định nêu trên nếu không thuộc những việc cán bộ, công chức không được phép làm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cán bộ, công chức vẫn được phép hoạt động sản xuất kinh doanh dưới hình thức hộ gia đình và được góp vốn vào các doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của mình theo quy định.
Người thân của công chức cũng không được làm giám đốc?
Theo quy định tại Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng thì không chỉ công chức không được làm giám đốc doanh nghiệp mà người thân của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng không được:
– Giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của những người này
– Giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng với cơ quan, tổ chức, đơn vị của những đối tượng này
– Kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do những người này trực tiếp quản lý…
Như vậy, nếu công chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị thì người thân gồm vợ, chồng, bố, mẹ, con cũng không được làm giám đốc của doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề mà người đó trực tiếp quản lý.
Nguồn: Nguoiduatin.vn