Hiện nay, có hai cách thức để được tuyển dụng vào công chức là thi tuyển và xét tuyển. Vậy, quy trình thi tuyển công chức mới nhất hiện nay là như thế nào?
Điều kiện nào để được dự thi công chức?
Theo quy định tại Điều 35 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.
Do đó, Luật này quy định, người có đủ các điều kiện dưới đây mới được đăng ký dự tuyển công chức:
– Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
– Đủ 18 tuổi trở lên.
– Có đơn dự tuyển, có lý lịch rõ ràng.
– Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp.
– Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.
– Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
Trong đó, theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP, các điều kiện khác phải không được trái quy định của pháp luật và không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập.
Đặc biệt, những yêu cầu này phải dựa trên cơ sở bản mô tả công việc gắn với chuyên ngành đào tạo, kỹ năng… của ngạch công chức dự tuyển và phải báo cáo với cơ quan quản lý công chức phê duyệt trước khi tuyển dụng (Điều 1 Thông tư 13/2010 của Bộ Nội vụ).
Đồng thời, để được thi tuyển công chức, người dự tuyển phải không thuộc các trường hợp sau:
– Không cư trú tại Việt Nam.
– Mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích, đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính…
Thi tuyển công chức được tổ chức theo quy trình thế nào?
Chi tiết về việc thi tuyển công chức được nêu tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP. Cụ thể, thi tuyển công chức được thực hiện theo 02 vòng thi:
Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy tính. Nếu không có điều kiện tổ chức thi trên máy tính thì thi trắc nghiệm trên giấy.
Vòng 1 này sẽ thực hiện thi 3 môn:
– Môn kiến thức chung: 60 câu hỏi trong thời gian 60 phút về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, quản lý hành chính Nhà nước, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển…
– Môn ngoại ngữ: 30 câu hỏi trong thời gian 30 phút về một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm;
– Môn tin học: 30 câu hỏi trong thời gian 30 phút theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Lưu ý: Nếu việc thi vòng 1 được thực hiện trên máy tính thì không có phần thi tin học. Đồng thời, trong một số trường hợp cụ thể, người dự thi có thể được miễn ngoại ngữ hoặc miễn tin học.
Nếu người dự thi trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì được thi tiếp vòng 2 và kết quả phải được thông báo ngay sau khi thí sinh làm bài thi trên máy tính. Đặc biệt nếu thi trên máy tính thì không phúc khảo bài thi.
Ngược lại, nếu không có đủ điều kiện để thi trên máy tính thì việc chấm kết quả phải hoàn thành trong chậm nhất 15 ngày sau khi thi và công bố chậm nhất sau 05 ngày kể từ khi chấm xong.
Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành
Vòng 2 được thi bằng phỏng vấn (thời gian thi 30 phút) hoặc thi viết (thời gian thi 180 phút). Việc quyết định thi bằng hình thức nào do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trong đó, nếu phỏng vấn thì không thực hiện phúc khảo.
Nội dung thi của vòng 2 là kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng với tổng điểm thi là 100 điểm.
Theo đó, việc xác định người trúng tuyển phải căn cứ vào điểm thi vòng 2 cùng với điểm ưu tiên. Kết quả sẽ được lấy từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm nhưng phải đảm bảo kết quả vòng 2 từ 50 điểm trở lên.
Nếu có 2 người có tổng điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng thì chọn người trúng tuyển là người có điểm thi vòng 2 cao hơn. Nếu vẫn không chọn được thì người đứng đầu cơ quan tuyển dụng công chức sẽ quyết định.
Lưu ý, kết quả thi tuyển không được bảo lưu cho các kỳ thi tuyển sau đó.
Từ 1/7, thi tuyển công chức sẽ khó hơn
Khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, để thống nhất giữa các quy định, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, dự kiến sẽ thay thế Nghị định 24/2010 và các văn bản liên quan.
Theo đó, về yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, khoản 2 Điều 4 dự thảo quy định, nếu người dự thi đã thực hiện chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học tương ứng yêu cầu của ngạch công chức thì không cần phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.
Đồng thời, trong vòng thi thứ 2, ngoài hình thức thi phỏng vấn hoặc thi viết như quy định hiện nay, dự thảo còn bổ sung thêm hình thức “kết hợp cả thi viết và phỏng vấn”.
Kéo theo đó, thang điểm cũng có sự thay đổi. Nếu hiện tại thi phỏng vấn hoặc thi viết thì thang điểm là 100. Nhưng nếu dự thảo được thông qua, việc thi tuyển công chức sử dụng hình thức cả phỏng vấn và thi viết thì thang điểm của mỗi hình thức là 50 điểm, đảm bảo tổng điểm thi là 100.
Không chỉ vậy, tại Điều 10 của dự thảo có nêu rõ:
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trình Chính phủ phê duyệt, triển khai thực hiện
Quy định này hoàn toàn đồng nhất với nội dung đổi mới công tác tuyển dụng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 26 năm 2018 và Điều 39 Luật Cán bộ công chức năm 2008 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức.
Như vậy, việc kiểm định đầu vào sẽ được thực hiện từ ngày 1/7 khi Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực. Do đó, có thể thấy, sắp tới đây, điều kiện dự thi công chức sẽ được “siết chặt” hơn nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch, thực chất trong tuyển dụng công chức.
Nguồn tin: phapluatvacuocsong.vn