Hỏi đáp và tin tức

Tiếp tục lấy ý kiến mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ

Cử tri tỉnh Kiên Giang đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012 theo hướng có cơ chế đặc thù cho đối tượng là giáo viên, nhất là nơi có số học sinh, số lớp tăng phải thực hiện giảm biên chế, tuy nhà trường đã cố gắng sắp xếp nhưng nhiều giáo viên vẫn vượt quá 200 giờ dạy/năm được thanh toán số giờ dạy vượt so với quy định.

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời cử tri tỉnh Kiên Giang như sau:

Bộ luật Lao động được xây dựng trên cơ sở đưa ra những nguyên tắc chung để điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, theo đó chế độ thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi là căn cứ pháp lý để hướng dẫn tổ chức lao động khoa học hợp lý cho các nơi sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người sử dụng lao động được quyền huy động người lao động làm thêm giờ và hiện nay các quy định về danh mục các trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm đang được thể hiện trong dự thảo Nghị định của Chính phủ theo hướng:

– Chỉ quy định một số ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất như: Gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da giầy, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản (giáo viên làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập theo chế độ viên chức thì vấn đề thời giờ làm việc sẽ do Luật Viên chức quy định);

– Các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.

– Thời điểm thực hiện công việc: Căn cứ vào tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước được (như hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn; thiếu điện; thiếu nguyên liệu; sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất).

Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc tổ chức làm thêm giờ để tránh lạm dụng, bảo vệ sức khỏe của người lao động đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật.

Đây là vấn đề lớn, vì vậy Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục lấy ý kiến về phạm vi áp dụng của quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ (danh mục các ngành nghề, công việc được làm thêm giờ) để làm căn cứ trình Quốc hội trong thời gian tới.

Nguồn: Baochinhphu.vn

Từ khóa: