Đây là cách mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã thực hiện khi bố trí viên chức vừa trúng tuyển đến nhận công tác tại các trường, đơn vị thuộc Sở.
Theo đó, các giáo viên trẻ mới trúng tuyển viên chức được tự chọn trường, chọn nơi làm việc cho mình dựa trên điểm số trúng tuyển. Người có số điểm cao được chọn trước; lần lượt, thứ tự cho đến người cuối cùng có số điểm trúng tuyển thấp hơn.
Có thể khẳng định, đây là cách làm hay, minh bạch giúp hạn chế tiêu cực, “chạy chọt” xin chỗ làm trong các cơ quan nhà nước, nhất là ngành giáo dục. Bởi vì, những nơi có điều kiện công tác thuận lợi như ở thành phố, đô thị, đồng bằng rất khác với những địa phương miền núi, khó khăn nên xảy ra tình trạng ‘chạy’ chỗ làm ở một số địa phương gây nhức nhối, bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh đó, việc cho người trúng tuyển với số điểm cao được tự chọn nơi làm việc cũng là cách để khuyến khích sinh viên hăng say học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ kiến thức nhằm đạt kết quả học tập cao.
Đồng thời, cách làm công khai này tạo được niềm tin cho các thí sinh và thu hút được nhiều người tài, người giỏi vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Với thực trạng “chạy” chỗ làm, “chạy” luân chuyển còn diễn ra khá phổ biến ở một số cơ quan, tổ chức thì cách làm này cần được nhân rộng, triển khai để hạn chế tiêu cực, thiếu công tâm. Việc thực hiện cách làm này không chỉ dừng lại ở ngành giáo dục mà nên mở rộng ra các ngành, lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
Vấn đề quan trọng nhất, quyết định nhất để triển khai thực hiện cách làm này hiệu quả là khẩu tổ chức thi tuyển, xét tuyển. Phải đảm bảo việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức thật sự công tâm, khách quan, minh bạch.
Vì nếu làm không tốt khâu này sẽ “lợi bất cập hại” vì những kẻ luồn lách, chạy chọt trong các đợt thi tuyển, xét tuyển lại đương nhiên, công khai vào được chỗ làm tốt.
Hơn nữa việc luân chuyển giáo viên định kỳ 5 năm, 10 năm… từ vùng khó khăn ra vùng thuận lợi mà một số địa phương đang áp dụng sẽ không còn phát huy tác dụng.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần nghiên cứu cách làm này của ngành giáo dục Quảng Nam để triển khai nhân rộng ra các ngành, địa phương trong cả nước. Theo đó, có thể ban hành quy định, tạo hành lang pháp lý để làm cơ sở buộc các ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Nguồn: Laodong.vn