Tài liệu dài 48 trang word, gồm 34 câu hỏi và đáp án ôn thi công chức chuyên ngành Pháp chế.
Bao gồm các tài liệu:
– Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
– Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012
– Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ
– Nghị định 48/2013/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính
– Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ
– Thông tư 01/2015/TT-BTP Hướng dẫn về nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế
– Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ
– Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ
– Nghị định 32/2020/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP
– Thông tư 30/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Tham khảo tài liệu:
Câu 1: Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, anh (chị) hãy trình bày khái niệm văn bản quy phạm pháp luật? Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được quy định như thế nào? Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong những trường hợp nào?
Trả lời: Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi năm 2020:
Văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này.
Văn bản có chứa quy phạm, pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
8a. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). 15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
– Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;
– Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;
– Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.
Câu 2: Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, anh (chị) hãy cho biết những hành vi bị nghiêm cấm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi năm 2020:
Những hành vi bị nghiêm cấm
– Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
– Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
– Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.
– Quy định thủ tục hành chính trong thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trừ trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này.