Các trường hợp viên chức thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III lên hạng II, muốn bổ nhiệm hạng II thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II, bao gồm cả chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II.
Theo phản ánh của ông Huỳnh Văn Sáu (Đồng Tháp), Khoản 2d Điều 4 và Khoản 2d Điều 5 Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên THCS hạng 1, hạng 2. Đến nay một số huyện và tỉnh đã triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng này, tuy nhiên mỗi nơi lại tổ chức lớp bồi dưỡng khác nhau, học phí cũng khác nhau. Có nơi thì người học đóng tiền, có nơi ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Ông Sáu hỏi, vậy trường hợp chưa có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên theo hạng có bị xếp xuống một hạng không?
Ngoài ra, ông Sáu kiến nghị, về việc tổ chức lớp bồi dưỡng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có tài liệu thống nhất chung cả nước và đưa lên mạng internet để giáo viên tự tải về học và chỉ thi kiểm tra khi nào địa phương thông báo tổ chức kiểm tra (có thể kiểm tra trực tuyến hoặc kiểm tra tập trung), giáo viên chỉ đóng lệ phí thi và không phải đóng thêm khoản nào khác…
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Thời điểm hiện tại, Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS công lập có hiệu lực thi hành và chưa có văn bản thay thế, các viên chức đã được bổ nhiệm vào ngạch giáo viên THCS theo quy định tại Quyết định số 202/TCCP-VC và Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS nhưng phải bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS được bổ nhiệm.
Luật Viên chức 2010 quy định “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó” (Điểm b Khoản 1 Điều 31). Như vậy, các trường hợp viên chức thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III lên hạng II, muốn bổ nhiệm hạng II thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II, bao gồm cả chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II.
Việc bồi dưỡng giáo viên theo chức danh nghề nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức theo kế hoạch hàng năm. Cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ bồi dưỡng có trách nhiệm xác định hình thức bồi dưỡng và thu, quản lý sử dụng kinh phí theo đúng quy định hiện hành của pháp luật (Thông tư số 13/2017/TT-BGDĐT ngày 23/5/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện để các cơ sở giáo dục được tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập).
Vấn đề này ông Huỳnh Văn Sáu cần kiến nghị, phản ánh với Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Nội vụ (cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì bồi dưỡng) để giải quyết theo thẩm quyền.
Nguồn: Baochinhphu.vn