Thầy cô gần tuổi về hưu không nên đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Bởi, đi học sẽ mất vài triệu đồng mà mức lương nhận được cũng không tăng là bao.
Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có rất nhiều điểm mới so với chùm Thông tư 01-04/2021 trước đây. Trong đó, việc quy định giáo viên mỗi cấp học chỉ cần học một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (thay vì 3 chứng chỉ như trước) đã nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo.
Nhiều thầy cô thời gian qua chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi chùm các Thông tư 01-04 nên đã dừng việc tìm hiểu thông tin về các lớp học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì nay lại tiếp tục tìm kiếm nơi nào giá cả rẻ, phù hợp.
Tuy phải bỏ ra số tiền gần 3 triệu đồng (tuỳ thầy cô đăng ký học trường nào), gần bằng một tháng lương của giáo viên mới ra trường nhưng gần như thầy cô nào cũng đăng ký để học.
Họ học chứng chỉ dành để chờ đợi đợt xét hoặc thi thăng hạng chức danh sắp tới với mong muốn được cải thiện đồng lương.
Những giáo viên nào cần học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?
Giáo viên cần học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chắc chắn là những giáo viên trẻ mới ra trường, giáo viên có bằng đại học đang hưởng lương trung cấp, cao đẳng, giáo viên muốn được giữ hạng để bổ nhiệm sang hạng chức danh mới, giáo viên muốn được thăng hạng sau này…
Nhiều giáo viên được hưởng lợi từ việc bổ nhiệm hạng chức danh lần này. Đó là những thầy cô giáo có bằng đại học vẫn ăn lương trung cấp, cao đẳng. Những thầy cô giáo đang ở hạng II cũ chuyển sang hạng II mới. Có những thầy cô giáo đã cùng lúc tăng đến mấy bậc lương, rút ngắn thời gian tăng lương đến gần chục năm.
Hay như những giáo viên hạng I cũ được bổ nhiệm sang hạng I mới với mức lương tăng đáng kể.
Tuy nhiên, không phải ai có chứng chỉ chức danh cũng sẽ được hưởng lợi nên việc đăng ký đi học chứng chỉ cũng cần tính toán thật kỹ. Sẽ có những thầy cô giáo tốn gần 3 triệu đồng nhưng chỉ để mang về một cái chứng chỉ làm kỷ niệm.
Những giáo viên nào nên cân nhắc việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?
Theo quy định thì giáo viên nào cũng cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để trụ hạng và thăng hạng khi cần. Tuy nhiên, những thầy cô giáo gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đang có dự định xin về hưu theo diện tinh giản biên chế lại không cần đến chứng chỉ.
Thứ nhất, nếu không có chứng chỉ, những giáo viên này phải xuống hạng III. Tuy nhiên, hạng III mới thì mức lương là của hạng II cũ. Thế nên, nói là xuống hạng thì lương của những thầy cô này vẫn không thay đổi.
Thứ hai, nếu bỏ tiền để học chứng chỉ dù có được bổ nhiệm sang hạng II mới thì mức lương cũng chẳng cải thiện là bao.
Một số đồng nghiệp của tôi còn 2 năm nữa sẽ về hưu nhưng vẫn bỏ ra 2.500.000 đồng lấy một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp rồi để đó.
Tháng 5/2023 này Thông tư 08 có hiệu lực. Những đồng nghiệp này, cũng sẽ được bổ nhiệm vào hạng II mới với mức lương 5.02. Mức lương mới sẽ nhận được cao hơn lương cũ (4.98) khoảng vài chục ngàn đồng.
Mỗi tháng được thêm vài chục ngàn đồng thì phải mất khoảng 7 năm mới lấy được số tiền 2.500.000 đồng đã bỏ ra học chứng chỉ trong khi chỉ còn 2 năm nữa là về hưu.
Hoặc một giáo viên hạng II (còn 3 đến 5 năm sẽ về hưu), đang ở hệ số lương 4.98. Do không có chứng chỉ chức danh nên giáo viên này sẽ xuống hạng III và vẫn nhận hệ số lương 4.98 không đổi.
Sau 3 năm đến chu kỳ tăng lương, do hết bậc nên giáo viên này sẽ nhận hệ số thâm niên vượt khung là 5% và 2 năm tiếp theo sẽ nhận thêm 2% nữa (tổng cộng lương sẽ nhận 4.98 và 7% hệ số vượt khung) là đến tuổi về hưu.
Nếu giáo viên này được chuyển sang hạng II mới sẽ có hệ số lương 5.02. Và 3 năm tiếp theo sẽ nhận hệ số 5.36. Nếu so 4.98 và 7% vượt khung với hệ số 5.36 thì số tiền lương của giáo viên này, khi chuyển sang hạng II mới lại có phần thiệt thòi hơn (chưa nói đến gần 3 triệu đồng đã bỏ ra trước đó đi học chứng chỉ chức danh).
Vì thế, lời khuyên cho những thầy cô gần tuổi về hưu không nên đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Bởi, đi học sẽ mất vài triệu đồng mà mức lương nhận được cũng không nhiều hơn trước là bao.
Nguồn: Giaoduc.net.vn