Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, viên chức lưu trữ; xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức được quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Xét thăng hạng viên chức hạng II phải có thời gian giữ chức danh chuyên viên từ 9 năm trở lên
Theo thông tư, viên chức hành chính xét thăng hạng lên hạng II khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
Các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (sửa đổi tại khoản 16 điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ) gồm: được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức; có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp; đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và các yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng…
Đề án vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập được xây dựng, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật có vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng.
Được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng.
Có thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương từ đủ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh chuyên viên thì thời gian giữ chức danh chuyên viên tối thiểu 1 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu có thời gian giữ chức danh chuyên viên không liên tục thì được cộng dồn).
Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các nhiệm vụ khoa học sau: tham gia xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác; tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu; tham gia xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận.
Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương có một trong các thành tích công tác sau: được tặng bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; có ít nhất 2 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Xét thăng hạng lên hạng I phải có ít nhất 3 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Đối với viên chức hành chính xét thăng hạng lên hạng I, ngoài có đủ một số các điều kiện quy định như trên, phải có có thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương từ đủ 6 năm trở lên.
Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh chuyên viên chính thì thời gian giữ chức danh chuyên viên chính tối thiểu 1 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh chuyên viên chính không liên tục thì được cộng dồn).
Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các nhiệm vụ khoa học sau: chủ trì xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được ban hành; chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu; tham gia xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận.
Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương có một trong các thành tích sau: có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên; có ít nhất 3 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trước đó, từ ngày 7.12.2023, Chính phủ đã bãi bỏ quy định thi thăng hạng viên chức, giữ quy định xét thăng hạng.
Theo ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ, quy định thăng hạng với 2 hình thức thi hoặc xét đã được quy định rõ trong luật, đã có sự phân cấp cho các bộ, ngành. Tuy nhiên, quá trình thi thấy có nhiều khó khăn, dù đã phân cấp, nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa ban hành thông tư (chỉ một vài bộ ban hành), nên khó tiến hành.
Cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng, việc thi còn hình thức, không phản ánh được thực chất. Với gần 2 triệu viên chức, việc thi gặp nhiều khó khăn. Người thi phải có chứng chỉ chuyên ngành cũng là hạn chế, rào cản.
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho hay, có 94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi nâng thăng hạng viên chức. Việc bỏ thi sẽ khắc phục được những bất cập, tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội, giảm áp lực cho đội ngũ viên chức.
Nguồn: thanhnien.vn