Hỏi đáp và tin tức

Trường THCS được bổ nhiệm tối đa bao nhiêu % giáo viên hạng II mới?

Nếu trường đã đủ 50% giáo viên hạng II thì sẽ không được tổ chức thi, xét nâng ngạch hoặc xét thăng hạng lên ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp.

Vấn đề xếp lương, bổ nhiệm từ hạng cũ sang mới hay xét thăng hạng được bao nhiêu % trong các cơ sở giáo dục được đông đảo đội ngũ nhà giáo đặc biệt quan tâm, nhận được nhiều thắc mắc.

Một bạn đọc là giáo viên ở bậc trung học cơ sở công lập, có tên N.P ở địa chỉ mail nat……@gmail.com gởi thư về Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thắc mắc về việc bổ nhiệm, chuyển xếp lương từ hạng cũ sang mới như sau:

“Tôi hiện đang là giáo viên Trung học cơ sở hạng II cũ (theo Thông tư 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV), tuyển dụng vào tháng 9 năm 2014.

Tới tháng 9 năm 2024 tôi hưởng lương hạng II cũ và tương đương đủ 9 năm không tính thời gian tập sự.

Trường tôi hiện tại đã đủ 50% giáo viên được bổ nhiệm hạng II mới (theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT).

Xin Tòa soạn cho tôi được hỏi: Theo quy định hiện nay, trường hợp của tôi, tháng 9 này tôi có được chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới không ạ? Hay phải chờ khi trường thiếu chỉ tiêu mới được xét bổ nhiệm từ hạng II cũ sang II mới?

Đây cũng là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm giáo viên cả nước, bằng kiến thức cá nhân, căn cứ vào quy định hiện hành xin được tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, quy định về bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở từ hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) sang II mới (hệ số lương 4,0-6,38)

Căn cứ tại khoản 1 Điều 7 Văn bản hợp nhất 10/VBHN-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định như sau:

1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT- BNV nay được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư này như sau:

a) Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32);

b) Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) có tổng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) và hạng II (mã số V.07.04.11) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự);

c) Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10).

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 14/8/2023 về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông trong đó có hướng dẫn khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở từ các thông tư liên tịch (20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các thông tư (01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT), thì chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm,…

Do đó theo quy định hiện nay, theo quy định hiện hành, với những thông tin bạn cung cấp, bạn đang hưởng lương hạng II cũ, có thời gian giữ hạng đủ 9 năm, nên cơ bản, bạn đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm từ hạng II cũ sang II mới.

Thứ hai, tỷ lệ hạng II ở trường trung học cơ sở là bao nhiêu %?

Căn cứ quy định tại Công văn 64/BNV-CCVC xác định cơ cấu ngạch công chức chức danh nghề nghiệp viên chức quy định như sau:

“II. Về xác định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Việc xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Trường hợp chưa có hướng dẫn hoặc đã có hướng dẫn nhưng chưa xác định cụ thể tỷ lệ % ở mỗi hạng chức danh nghề nghiệp thì thống nhất thực hiện như sau:

1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2)[…]

– Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%;[…]

2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4) […]

– Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; […]”

Và, tại khoản 3 mục III. Một số điểm thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện hướng dẫn như sau:

“3. Trường hợp chưa đủ số lượng theo tỷ lệ ở mỗi ngạch công chức hoặc mỗi hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì số còn thiếu được cộng vào ngạch (hạng) thấp hơn liền kề và có thể lớn hơn tỷ lệ theo quy định. Trường hợp số lượng thực tế hiện có vượt tỷ lệ nêu trên thì tạm thời không tổ chức thi, xét nâng ngạch hoặc xét thăng hạng lên ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp đã vượt quá tỷ lệ.”

Như vậy, các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo viên trung học cơ sở đều quy định bổ nhiệm giáo viên hạng II không quá 50%.

Theo đó căn cứ vào quy định nêu trên trường hợp bạn là giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ (mã số V.07.04.11) có tổng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) và hạng II (mã số V.07.04.11) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) thì sẽ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31).

Tuy nhiên, nếu trường bạn đã đủ 50% giáo viên hạng II thì sẽ không được tổ chức thi, xét nâng ngạch hoặc xét thăng hạng lên ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp.

Trong thời gian tới, nếu trường bạn có giáo viên hạng II nghỉ hưu, chuyển công tác, nghỉ việc,…nếu tỷ lệ dưới 50% thì bạn sẽ được xem xét bổ nhiệm hạng II mới.

Một số thông tin xin được chia sẻ cùng bạn, phần tư vấn có tính chất tham khảo, tùy trường hợp cụ thể sẽ có cách áp dụng và giải quyết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguồn: Giaoduc.net.vn

Từ khóa: