Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp bác sĩ (hạng III) để được thi thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp bác sĩ (hạng II) được tính từ thời điểm viên chức đó được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng III cho đến thời điểm hết hạn đăng ký dự thi.
Ông Thế hỏi, thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III tính từ khi vào biên chế (viên chức) hay tính từ thời điểm ký hợp đồng lao động với cơ quan Nhà nước? Trong hợp đồng lao động có ghi chức danh nghề nghiệp là bác sĩ hạng III thì có được tính giữ chức danh hạng III hay không? Nếu không được tính giữ chức danh nghề nghiệp hạng III với lao động hợp đồng thì vì sao? Thời gian gần nhất giữ chức danh nghề nghiệp bác sĩ hạng III tối thiểu là 2 năm nghĩa là khi vào hợp đồng được 6 – 9 năm và mới vào biên chế được 2 năm gần nhất hay hiểu theo cách như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp bác sĩ (hạng III) để được thi thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp bác sĩ (hạng II) được tính từ thời điểm viên chức đó được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng III cho đến thời điểm hết hạn đăng ký dự thi.
Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo đúng quy định của Luật BHXH, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ; được cộng vào để tính là thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp.
Thời gian “gần nhất giữ chức danh bác sĩ (hạng III) tối thiểu là 2 năm” có nghĩa là phải có ít nhất 2 năm liền kề trước thời điểm dự thi thăng hạng giữ chức danh nghề nghiệp bác sĩ (hạng III) mà không tính tương đương.
Nguồn: Baochinhphu.vn