Năm 2018, ông Bùi Thanh Liêm (Hà Nội) ký hợp đồng lao động làm chuyên viên tại 1 đơn vị sự nghiệp công lập, ngạch 01.003, hệ số 2,34 (tập sự 1 năm đến tháng 1/2019). Tháng 5/2020, ông chuyển công tác sang đơn vị sự nghiệp công lập khác, làm kế toán viên tại Phòng Kế hoạch – Tài chính, ngạch 06.031 hệ số lương 2,34, không phải tập sự.
Tháng 6/2022, ông Liêm trúng tuyển viên chức tại Phòng Kế hoạch – Tài chính, chức danh nghề nghiệp chuyên viên, mã số 01.003, bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo.
Theo Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 thì trường hợp được bổ nhiệm vào ngạch mới trong cùng nhóm ngạch với ngạch cũ (ngạch cũ và ngạch mới có cùng hệ số bậc lương), thì xếp ngang bậc lương và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) sang ngạch mới.
Tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức đã quy định: Trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức (nếu có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn) ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.
Ông Liêm hỏi, trường hợp của ông thì thời gian nâng bậc lương lần sau được tính từ tháng 1/2019, tháng 5/2022 hay tháng 6/2022?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Căn cứ quy tại Khoản 1 Điều 18 và Khoản 1, Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, người được tuyển dụng vào viên chức được người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức ra quyết định tuyển dụng, thực hiện việc ký hợp đồng làm việc với viên chức (theo hình thức hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn), trong đó:
“(1) Hợp đồng làm việc được ký kết bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp viên chức là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thì do cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng làm việc;
… (3) Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu có thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức thỏa thuận với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về các nội dung thay đổi đó và được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng làm việc hoặc ký kết hợp đồng làm việc mới có những nội dung thay đổi đó”.
Vì vậy, trường hợp của ông Bùi Thanh Liêm đã có thời gian công tác trước khi trúng tuyển vào viên chức thì thời điểm bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp theo vị trí việc làm mới được tuyển dụng và việc xếp lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận của viên chức (kể cả thời gian tính nâng bậc lương lần sau) được thực hiện theo quy định hiện hành và theo nội dung ghi trong hợp đồng làm việc đã ký kết giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Nguồn: Baochinhphu.vn