Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023.
Liên quan đến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bảo đảm quyền, lợi ích của đội ngũ viên chức hoạt động chuyên ngành, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, Phó thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc quy định xét nâng ngạch khi được bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý để tạo cơ sở đồng bộ khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Theo đó, Bộ Nội vụ lấy ý kiến Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và địa phương; tiếp thu, hoàn thiện dự thảo gửi lấy ý kiến Ban Tổ chức Trung ương; trên cơ sở đó tổng hợp, báo cáo Thủ tướng…
Trước đó, Bộ GD&ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Ngày 14/4/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 (Thông tư 08) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Thông tư 08 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023. Trong quá trình triển khai có một số vướng mắc, trong đó, giáo viên đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Về đề nghị trên, Bộ GD&ĐT cho biết, các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức các ngành/lĩnh vực thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Theo đó, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét (khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức 2010 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP).
Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.
Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ.
Nguồn: giaoducthoidai.vn