Hỏi đáp và tin tức

Đề xuất tiêu chuẩn, xét thăng hạng chức danh viên chức trợ giúp viên pháp lý

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng và nội dung, hình thức, việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý.

Theo đó, viên chức trợ giúp viên pháp lý được cử dự thi thăng hạng khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

1- Được cấp có thẩm quyền cử dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý theo quy định của pháp luật.

2- Đang giữ chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng thấp hơn hạng liền kề với hạng dự thi theo quy định tại Thông tư số 05/2022/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý.

3- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề với năm nộp hồ sơ dự thi thăng hạng; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

4- Có tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ theo quy định tại khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 6 Thông tư số 05/2022/TT-BTP.

5- Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định tại Điều 4 Thông tư số 05/2022/TT-BTP.

Tiêu chuẩn, điều kiện dự xét thăng hạng

Viên chức trợ giúp viên pháp lý có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghề nghiệp được cử dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

1. Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định.

2. Đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng II đạt một trong các thành tích sau: a) Được khen thưởng Huân chương lao động hạng III trở lên hoặc chiến sỹ thi đua toàn quốc; b) Thực hiện ít nhất 100 vụ việc tham gia tố tụng thành công, trong đó có ít nhất từ 55 vụ việc tham gia tố tụng thành công thuộc thẩm quyền tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên và ít nhất từ 15 vụ việc tham gia tố tụng thành công tại Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương trở lên.

3. Đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III đạt được một trong các thành tích sau đây: a) Được khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trở lên; b) Thực hiện ít nhất 150 vụ việc tham gia tố tụng thành công, trong đó có ít nhất từ 65 vụ việc tham gia tố tụng thành công thuộc thẩm quyền tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên.

4. Giám đốc, Quyền Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện ít nhất 30% số lượng vụ việc quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều này; Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện ít nhất 60% số lượng vụ việc quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều này.

Tổ chức xét thăng hạng

Dự thảo quy định, việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý được thực hiện thông qua Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định thành lập.

Viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý là viên chức có bài kiểm tra, sát hạch ở vòng 2 đạt từ 50/100 điểm trở lên lấy theo thứ tự tổng điểm từ cao xuống thấp.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng TTĐT Bộ Tư pháp.

Nguồn: Baochinhphu.vn

Từ khóa: