Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh giảng dạy ở trường đại học tư thục 4 năm 11 tháng, sau đó chuyển sang giảng dạy tại trường đại học công lập 5 năm (giảng viên hợp đồng). Tổng thời gian giảng dạy ở vị trí giảng viên nhưng chưa là viên chức của bà gần 10 năm (có đóng BHXH bắt buộc).
Sau đó, bà Linh thi vào biên chế tại trường đại học công lập, đến nay giữ hạng giảng viên hạng III, mã số V.07.01.03 được 2 năm. Hệ số lương được xếp là 2,67. Thâm niên được xem xét hưởng là 11% tính từ 1/6/2022.
Tại Điều 6 Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT có quy định về điều kiện thi/xét thăng hạng giảng viên chính (hạng II) như sau:
“g) Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 lên chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 hoặc tương đương tối thiểu đủ 9 (chín) năm đối với người có bằng thạc sĩ, đủ 6 (sáu) năm đối với người có bằng tiến sĩ; trong đó phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng”.
Bà Linh hỏi, xét về thời gian giảng dạy như trên, bà có đủ điều kiện để thi thăng hạng giảng viên chính (hạng II) không vì bà chưa rõ ở điều kiện tương đương thì có phải là chức danh nghề nghiệp giảng viên có đóng BHXH bắt buộc khi chưa là viên chức hay không?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Thực hiện Luật Viên chức năm 2010; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26/10/2020 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Trong đó có quy định về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 tại Điểm g Điều 6.
Đồng thời, tại Điểm d Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có quy định:
“Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.
Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo đúng quy định của Luật BHXH, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ.
Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng”.
Vì vậy, căn cứ vào thời gian theo nội dung bà Nguyễn Thị Mỹ Linh trình bày thì bà có đủ điều kiện để dự thi thăng hạng giảng viên chính (hạng II) quy định tại Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT.
Nguồn: Baochinhphu.vn