Bố của bà Kiều Trang sinh năm 1956, là công nhân Nhà máy in Tiến Bộ từ năm 1973. Năm 1988, bố của bà được Bộ Văn hóa cử đi làm việc tại nước Tiệp Khắc. Ngày 1/2/1994, bố của bà về nước nhưng Nhà máy không tiếp nhận nữa nên phải nghỉ việc.
Hiện nay, Nhà máy in Tiến Bộ đã được đổi tên thành Công ty In Tiến Bộ nhưng bố của bà vẫn chưa nhận được bất kỳ một khoản trợ cấp nào cũng như sổ BHXH.
Bà Trang hỏi, bố của bà được nhận những khoản trợ cấp nào? Nếu tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện đủ 20 năm thì bố của bà có được hưởng chế độ hưu trí không?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Tại Khoản 4, Khoản 6, Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc và Điều 35 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc có quy định về việc tính thời gian công tác đối với trường hợp người lao động đi hợp tác lao động trước ngày 1/1/1995 để tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Đề nghị bà cung cấp hồ sơ lý lịch gốc, lý lịch bổ sung (nếu có), các giấy tờ gốc có liên quan đến thời gian làm việc, tiền lương của bố bà trước khi đi làm việc ở nước ngoài, hồ sơ liên quan đến thời gian đi hợp tác lao động… và liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được trả lời cụ thể.
Trường hợp hồ sơ do bố bà cung cấp bảo đảm căn cứ để tính thời gian công tác trước tháng 1/1995 nhưng chưa đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí thì bố của bà có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí.
Nguồn: Baochinhphu.vn