Thông tư số 07/2022/TT-BNV ngày 31/8/2022 của Bộ Nội vụ quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thi hoặc xét thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ.
Chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ
Theo Bộ Nội vụ, qua 8 năm thực hiện Thông tư số 13/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành lưu trữ và Thông tư số 08/2015/TT-BNV ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thời gian tập sự, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành lưu trữ đã phát sinh một số bất cập như:
(1) Mô tả nhiệm vụ của viên chức chuyên ngành chưa phù hợp;
(2) Quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, điều kiện, tiêu chuẩn thăng hạng chức danh nghề nghiệp và việc xếp lương của viên chức chuyên ngành lưu trữ có nhiều thay đổi theo các Nghị định của Chính phủ…
Việc ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BNV là cần thiết nhằm mục đích:
– Chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ.
– Quy định điều kiện thi, xét thăng hạng, nội dung, hình thức thi, xét thăng hạng, việc xác định người trúng tuyển trong kỳ thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ.
– Hướng dẫn bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành lưu trữ phù hợp với vị trí việc làm và trình độ đào tạo, bồi dưỡng.
Nội dung chủ yếu của Thông tư số 07/2022/TT-BNV
Thông tư số 07/2022/TT-BNV gồm 05 chương, 19 điều, trong đó:
a) Chương I quy định chung, gồm 05 điều:
– Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
– Điều 2. Đối tượng áp dụng.
– Điều 3. Chức danh và mã số chức danh.
– Điều 4. Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.
– Điều 5. Căn cứ, nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
b) Chương II quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, gồm 03 điều:
– Điều 6. Lưu trữ viên chính – mã số V.01.02.01
– Điều 7. Lưu trữ viên – mã số V.01.02.02
– Điều 8. Lưu trữ viên trung cấp – mã số V.01.02.03
c) Chương III quy định về điều kiện thi hoặc xét thăng hạng và nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ, gồm 05 điều:
– Điều 9. Điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ Lưu trữ viên lên Lưu trữ viên chính.
– Điều 10. Điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ Lưu trữ viên trung cấp lên Lưu trữ viên.
– Điều 11. Hồ sơ, hình thức, nội dung thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ.
– Điều 12. Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ.
– Điều 13. Thông báo kết quả thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ.
d) Chương IV quy định về bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ, gồm 03 điều:
– Điều 14. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương khi hết thời gian tập sự.
– Điều 15. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương khi trúng tuyển kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
– Điều 16. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ đối với trường hợp khác.
đ) Chương V quy định điều khoản thi hành, gồm 03 điều:
– Điều 17. Hiệu lực thi hành.
– Điều 18. Điều khoản chuyển tiếp.
– Điều 19. Trách nhiệm thi hành.
Những nội dung chính sách mới, quy định mới trong Thông tư số 07/2022/TT-BNV
Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư số 07/2022/TT-BNV quy định về:
– Chức danh, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ.
– Điều kiện thi hoặc xét thăng hạng và nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ.
– Bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ.
Việc nhất thể hóa văn bản quy phạm pháp luật vừa bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý viên chức chuyên ngành lưu trữ, vừa là cơ sở pháp lý để xác định vị trí việc làm, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức.
Về đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Thông tư số 07/2022/TT-BNV là viên chức chuyên ngành lưu trữ trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Công chức trong các cơ quan, tổ chức làm công tác lưu trữ được áp dụng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ quy định tại Thông tư này.
Đây là văn bản đầu tiên quy định công chức chuyên ngành lưu trữ được áp dụng về tiêu chuẩn ngạch, điều kiện thi hoặc xét nâng ngạch, bổ nhiệm vào ngạch và xếp lương.
Về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
– Về nhiệm vụ: Bổ sung nhiệm vụ “Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, quản trị cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử” đối với chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên và Lưu trữ viên chính.
– Về trình độ đào tạo:
+ Bổ sung quy định về trường hợp tốt nghiệp khác ngành lưu trữ thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành lưu trữ.
+ Bãi bỏ quy định về thời gian có bằng tốt nghiệp trước khi thi hoặc xét thăng hạng.
– Về trình độ bồi dưỡng: Bãi bỏ quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.
– Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Bổ sung quy định “Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, quản trị cơ sở dữ liệu, sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc đối với viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm”.
Về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức lưu trữ
– Việc thi thăng hạng chỉ áp dụng từ Lưu trữ viên lên Lưu trữ viên chính.
– Điều kiện về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp liền kề
+ Đối với viên chức có trình độ đại học trở lên, đã được tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên (hạng III) theo Thông tư số 13/2014/TT-BNV và đang xếp lương loại A0 theo Thông tư số 08/2015/TT-BNV, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên theo Thông tư số 07/2022/TT-BNV và chuyển xếp lương theo hướng dẫn tại khoản 3 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV thì thời gian đã xếp lương viên chức loại A0 trước kia được tính vào thời gian giữ chức danh Lưu trữ viên để thi hoặc xét thăng hạng lên Lưu trữ viên chính.
+ Đối với viên chức có trình độ đào tạo cao đẳng đang giữ chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên (hạng III) theo Thông tư số 13/2014/TT-BNV và xếp lương viên chức loại A0 theo Thông tư số 08/2015/TT-BNV, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên trung cấp và xếp lại lương theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 16 Thông tư số 07/2022/TT-BNV thì thời gian xếp lương viên chức loại A0 trước kia được tính vào thời gian giữ chức danh Lưu trữ viên trung cấp để xét thăng hạng lên Lưu trữ viên.
– Điều kiện về công trình khoa học, đề tài, đề án, bài báo, sáng kiến và thành tích trong hoạt động nghề nghiệp lưu trữ:
+ Không áp dụng điều kiện này đối với việc thi thăng hạng.
+ Không áp dụng điều kiện này đối với việc xét thăng hạng từ Lưu trữ viên trung cấp lên Lưu trữ viên. Tuy nhiên, thành tích khen thưởng của cấp có thẩm quyền được tính ưu tiên trong trường hợp có từ 02 người trở lên bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng.
+ Đối với việc xét thăng hạng từ Lưu trữ viên lên Lưu trữ viên chính: bổ sung quy định “Viên chức đã chủ trì và được nghiệm thu ít nhất 01 công trình nghiên cứu về lĩnh vực lưu trữ hoặc các lĩnh vực có liên quan hoặc có ít nhất 01 Bằng khen của Bộ trưởng hoặc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên về thành tích trong hoạt động nghề nghiệp lưu trữ”.
– Hình thức xét thăng hạng: thẩm định hồ sơ.
– Nội dung xét thăng hạng: thẩm định việc đáp ứng yêu cầu về điều kiện theo quy định.
Bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ
– Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương khi hết thời gian tập sự:
+ Trường hợp viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên trung cấp, mã số V.01.02.03 có trình độ đào tạo cao đẳng trở lên được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06 (Viên chức loại B).
+ Trường hợp viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên, V.01.02.02, có trình độ đào tạo đại học được xếp bậc 1, hệ số 2,34; có trình độ đào tạo thạc sỹ được xếp bậc 2, hệ số 2,67; có trình độ đào tạo tiến sĩ được xếp bậc 3, hệ số 3,00 (Viên chức loại A1).
– Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức lưu trữ đối với các trường hợp khác:
+ Đối với người đang là công chức, viên chức chuyên ngành khác, khi được tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp viên chức lưu trữ thì căn cứ vào hệ số lương hiện hưởng ở chức danh nghề nghiệp cũ (bao gồm cả hệ số phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) để chuyển xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở chức danh nghề nghiệp mới.
+ Đối với người lao động có thâm niên làm công tác lưu trữ ở trong và ngoài khu vực công, khi được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức lưu trữ thì thời gian công tác trước đây đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được xem xét để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.
– Bổ nhiệm và chuyển xếp lương đối với viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên (hạng III) theo Thông tư số 13/2014/TT-BNV và xếp lương theo Thông tư số 08/2015/TT-BNV:
+ Viên chức có trình độ đào tạo đại học trở lên đang giữ chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên (hạng III) và xếp lương loại A0 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên theo Thông tư số 07/2022/TT-BNV và xếp lương loại A1 theo nguyên tắc căn cứ vào hệ số lương ở chức danh nghề nghiệp cũ (bao gồm cả hệ số phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) để chuyển xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở chức danh nghề nghiệp mới. Theo đó, chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên đã được xếp loại A1, tương đương với các chức danh nghề nghiệp ngành khác, đảm bảo sự tương quan giữa các ngành, lĩnh vực trong cùng hạng chức danh và trình độ đào tạo, thuận lợi trong việc quản lý, sử dụng viên chức.
+ Viên chức có trình độ đào tạo cao đẳng đang giữ chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên (hạng III) và xếp lương loại A0 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên trung cấp theo Thông tư số 07/2022/TT-BNV và xếp lương loại B theo nguyên tắc hệ số lương ở loại cũ (bao gồm cả hệ số phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) bằng hệ số lương ở loại mới (nếu thấp hơn thì được hưởng thêm phụ cấp chênh lệch bảo lưu cho bằng)./.
Nguồn: xaydungchinhsach.chinhphu.vn