Ông Phạm Trường Sơn (TPHCM) đang công tác tại Phòng Tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập. Vừa qua ông Sơn tham mưu Giám đốc ký ban hành quyết định bổ nhiệm lại viên chức quản lý. Tại Điều 2 của Quyết định có ghi “Thời hạn bổ nhiệm lại là 5 năm, từ ngày 1/7/2020”.
Tuy nhiên, một số ban, ngành Thành phố không chấp nhận với lý do, việc ghi “Thời hạn bổ nhiệm lại là 5 năm, từ ngày 1/7/2020” là không đúng mà phải ghi là “Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm, từ ngày 1/7/2020”.
Ông Sơn tham khảo Điều 5 Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo thì thấy có quy định “Điều 5. Thời hạn mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm…”. Ông Sơn hỏi, cách ghi như thế nào là đúng?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Theo Luật Cán bộ, công chức và Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thì thời hạn mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm, khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm theo quy định thì cấp có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.
Trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý còn từ 2 năm công tác đến dưới 5 năm thì thời hạn bổ nhiệm lại chỉ tính đến khi đủ tuổi nghỉ hưu; trường hợp còn dưới 2 năm công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà không phải thực hiện quy trình bổ nhiệm lại.
Do vậy, tại quyết định bổ nhiệm cần xác định rõ thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm và mốc thời gian để tính thời hạn bổ nhiệm theo quy định.
Nguồn: Baochinhphu.vn