Bà Cẩm Thị Hồng Nhung (Thanh Hóa) bắt đầu công tác tại vùng đặc biệt khó khăn và được nhận phụ cấp thu hút từ tháng 8/2014. Tháng 3/2018, bà Nhung nghỉ chế độ thai sản, không hưởng phụ cấp thu hút trong thời gian này
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Cẩm Thị Hồng Nhung như sau:
Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (tình trạng còn hiệu lực), quy định: Thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm.
Theo hướng dẫn tại Điểm c, Khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BTC-BNV ngày 31/8/2011 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính (tình trạng còn hiệu lực) thì, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, không được hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP trong khoảng thời gian thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH.
Như vậy, thời gian được hưởng phụ cấp thu hút là 60 tháng làm việc thực tế ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Thời gian nghỉ việc sinh con 6 tháng hưởng trợ cấp BHXH, không phải là thời gian làm việc thực tế, không được hưởng phụ cấp thu hút.
Trường hợp bà Cẩm Thị Hồng Nhung có quyết định đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ tháng 8/2014, thời gian 5 năm (60 tháng) tính hưởng phụ cấp được bắt đầu từ tháng 8/2014. Từ tháng 3/2018, bà Nhung nghỉ sinh con, hưởng chế độ thai sản 6 tháng. Trong thời gian nghỉ thai sản bà Nhung không được hưởng phụ cấp thu hút.
Tính từ thời điểm đến nhận công tác (tháng 8/2014) đến thời điểm nghỉ việc để sinh con (tháng 3/2018), bà Nhung đã có thời gian làm việc thực tế ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và đã hưởng phụ cấp thu hút được 43 tháng.
Hết thời gian nghỉ chế độ thai sản 6 tháng, từ tháng 9/2018 bà Nhung trở lại đơn vị làm việc. Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP “Thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm”, bà Nhung tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút của 17 tháng làm việc thực tế còn lại cho đủ 60 tháng. Như vậy, đến tháng 2/2020, bà Nhung sẽ hưởng đủ 60 tháng (5 năm) phụ cấp thu hút theo quy định.
Nguồn: Baochinhphu.vn