Hỏi đáp và tin tức

Thời gian làm hợp đồng có tính hưởng phụ cấp lâu năm?

 Ông Nguyễn Văn Nam (Đắk Lắk) là giáo viên hợp đồng tại trường THCS thuộc vùng đặc biệt khó khăn (vùng III) từ tháng 4/2012, mã ngạch 15a.202, hệ số lương 2,10, có đóng BHXH. Tháng 9/2020, ông được tuyển dụng theo diện đặc cách và vẫn làm việc tại trường với chức danh nghề nghiệp Giáo viên THCS hạng III, mã số V07.04.12, hệ số lương 2,72.

Tổng thời gian ông Nam làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn có đóng BHXH là hơn 12 năm. Ông hỏi, ông có được hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP không? Thời gian căn cứ để tính mức hưởng là từ khi bắt đầu hợp đồng (tháng 4/2012) hay khi được tuyển dụng (tháng 9/2020)?

Theo Phòng Tài chính và Phòng Nội vụ huyện, thời gian để tính mức hưởng phụ cấp lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn của ông Nam là từ lúc ông bắt đầu được tuyển dụng đặc cách (tháng 9/2020), còn trước đó thì không được tính nên đến bây giờ ông chưa được hưởng chế độ này.

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và Điều 4 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC ngày 31/8/2011 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính; kể từ ngày 1/12/2019, thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP| ngày 8/10/2019 của Chính phủ.

Trong đó, đối tượng áp dụng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đã được quy định tại Điều 2 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP và hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC; kể từ ngày 1/12/2019, thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP.

Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) thuộc thẩm quyền của UBND. Vì vậy, đề nghị ông Nguyễn Văn Nam liên hệ với cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Đắk Lắk (Sở Nội vụ) để được giải đáp.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Từ khóa: