Bà Trần Hường (tỉnh Bắc Giang) hỏi, giáo viên công tác, giảng dạy ở các trường học gồm THCS, dân tộc nội trú, tiểu học, mầm non… ở các xã không phải vùng kinh tế-xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn thì trong thời gian nghỉ thai sản có được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề giáo không? Theo văn bản nào?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn: Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 76/2019/NĐ ngày 8/10/2019 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/12/2019) quy định: Phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn của các đối tượng là công chức, viên chức và người lao động là nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tại Điểm c, Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP quy định, thời gian không được tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định này là thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (trong đó có thời gian nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội).
Chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo không thuộc vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn: Hiện nay, chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Điểm I, Mục II Thông tư liên tịch số 1/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/1/2006 của Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính (tình trạng còn hiệu lực) như sau:
Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh);
Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;
Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa;
Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học), trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo và nhà giáo dạy môn chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề;
Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng;
Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Điểm 1 Mục III Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC quy định, phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè) và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trong thời gian nghỉ sinh con hưởng chế độ thai sản do bảo hiểm xã hội chi trả, không hưởng lương, nên không được hưởng phụ cấp ưu đãi (trừ trường hợp nhà giáo sinh con trùng với thời gian nghỉ hè, vừa hưởng lương và phụ cấp ưu đãi do cơ sở giáo dục chi trả, vừa hưởng chế độ thai sản do bảo hiểm xã hội chi trả).
Nguồn: Baochinhphu.vn