Bà Đỗ Thị Huyền Trang (Hà Nội) đi làm từ tháng 7/2009 tại công ty X, đóng bảo hiểm đầy đủ. Tháng 10/2018, bà nghỉ chế độ thai sản và tháng 4/2019 đi làm lại. Ngày 31/12/2019, bà có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty theo nguyện vọng.
Bà Trang đã phản ánh sự việc lại với công ty X và công ty X xác nhận, từ thời điểm tháng 4/2019 đến khi bà chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty, các khoản bảo hiểm của bà không được cập nhật. Theo giải thích của công ty X, công ty vẫn đóng bảo hiểm đầy đủ, có thể do lỗi của thủ tục báo tăng lao động khi bà nghỉ thai sản đi làm trở lại dẫn đến việc trên hệ thống thể hiện từ tháng 4/2019 đến 2/2020 bà nghỉ không lương.
Bà Trang hỏi, bà phải làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình? Yêu cầu công ty X truy đóng BHXH cho bà từ tháng 4/2019 đến tháng 12/2019 thì thủ tục như thế nào? Trong quá trình chờ công ty X làm thủ tục truy đóng BHXH làm thế nào để công ty Y vẫn đóng tiếp được BHXH cho bà?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Căn cứ Điều 23 quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, bà Trang cần đề nghị công ty X thực hiện báo tăng lại thời gian làm việc và tham gia BHXH từ tháng 4 đến tháng 12/2019, đồng thời báo giảm hẳn do chấm dứt hợp đồng lao động từ tháng 1/2020 để công ty Y báo tăng đóng BHXH đối với bà.
Nguồn: Baochinhphu.vn