Bà Phan Nguyễn Ly Ly (Tây Ninh) làm công tác tổ chức tại một Sở. Vừa qua, cơ quan bà tuyển dụng vào công chức trường hợp của ông A có thời gian là viên chức tại đơn vị trực thuộc cơ quan bà. Bà Ly đề nghị cơ quan chức năng giải đáp thắc mắc về việc xếp lương đối với trường hợp này.
Ông A có bằng trung cấp, tốt nghiệp đại học ngày 15/1/2019. Từ ngày 1/9/2009 đến ngày 31/5/2019, ông là viên chức, ngạch cán sự loại B, mã ngạch 01.004, bậc 6/12, hệ số 2,86.
Từ ngày 1/6/2019 đến ngày 30/9/2020, ông A là viên chức, chức danh nghề nghiệp kiểm lâm viên trung cấp (tương đương ngạch cán sự), mã ngạch 10.228, bậc 7/12, hệ số 3,06.
Ngày 1/10/2020, ông trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức, ngạch chuyên viên loại C, mã ngạch 01.003, được bố trí công việc đúng ngành, nghề đào tạo.
Ngày 30/3/2021, Sở Nội vụ trả lời về việc xếp lương của ông A. Theo đó, tại Khoản 5 Điều 20 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức quy định:… Đối với các trường hợp không thực hiện chế độ tập sự, người đứng đầu cơ quan quản lý, sử dụng công chức phải cử tham gia khóa bồi dưỡng quản lý Nhà nước để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch công chức trước khi bổ nhiệm.
Ông A đã qua lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, do đó, Sở Nội vụ thống nhất theo đề nghị của cơ quan bà Ly là bổ nhiệm ông A vào ngạch chuyên viên, mã ngạch 01.003, bậc 1/9, hệ số 2,34; được hưởng từ ngày 1/10/2020, thời gian nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 15/1/2020.
Lý do: Thời điểm tuyển dụng ông A là ngày 1/10/2020 nên căn cứ Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập: “Trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào công chức theo quy định tại Nghị định này được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức (nếu có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn) được tính để làm căn cứ xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng.
Trường hợp ông A, được tuyển vào vị trí việc làm tại cơ quan bà Ly, do trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng là tốt nghiệp đại học nên thời gian công tác có đóng BHXH của ông A được tính từ lúc ông A tốt nghiệp đại học (ngày 15/1/2019). Thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc của ông A có trình độ đại học đến ngày 1/10/2020 là 1 năm 8 tháng, sau khi trừ thời gian tương ứng với thời gian tập sự ở ngạch chuyên viên là 12 tháng thì còn 8 tháng.
Bà Ly hỏi, Sở Nội vụ tỉnh trả lời như trên có đúng không?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP thì “Trường hợp người được tuyển dụng hoặc được tiếp nhận vào làm công chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức (nếu có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn) ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận”.
Việc xếp lương công chức tương ứng với trình độ đào tạo, vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện theo quy định tại Thông tư số 79/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Nguồn: Baochinhphu.vn