Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương tuyển dụng công chức năm 2024
23/04/2024
– Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam;
– Căn cứ Luật cán bộ, công chức, ngày 13/11/2008 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019;
– Căn cứ Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 06/2023/NĐ- CP, ngày 21/02/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức;
– Căn cứ Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW, ngày 03/01/2023 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội;
– Căn cứ Thông tư số 06/2020/TT-BNV, ngày 02/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;
– Căn cứ Quy chế làm việc số 11-QC/TU, ngày 19/5/2022 của Tỉnh ủy khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025;
– Căn cứ Thông báo số 757-TB/TU, ngày 12/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết luận và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại cuộc họp lần thứ 8 năm 2024;
Sau khi xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Tỉnh ủy tại Tờ trình số 838- TTr/BTCTU, ngày 12/4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thi tuyển công chức khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội năm 2024 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC
1. Mục đích, yêu cầu
Việc tổ chức thi tuyển công chức nhằm tuyển chọn, bổ sung những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực, phẩm chất, đạo đức vào làm việc tại các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được giao và đảm bảo lộ trình tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và hiệu lực, hiệu quả quản lý trên địa bàn tỉnh.
2. Nguyên tắc
– Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật.
– Bảo đảm tính cạnh tranh.
– Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
– Ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số.
II. ĐỐI TƯỢNG THI TUYỂN
1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức
a) Có một quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam.
b) Từ đủ 18 tuổi trở lên.
c) Có đơn đăng ký dự tuyển.
d) Có lý lịch rõ ràng.
đ) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm.
e) Đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
g) Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm.
2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức
a) Không cư trú tại Việt Nam.
b) Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
III. NỘI DUNG TỔ CHỨC THI TUYỂN
1. Nhu cầu tuyển dụng
Thi tuyển công chức theo chỉ tiêu cần tuyển dụng của khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội. Số lượng, vị trí việc làm các chức danh cần tuyển dụng do Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp và thông báo theo quy định.
2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển
a) Phiếu đăng ký dự tuyển công chức (theo mẫu do Ban Tổ chức Tỉnh ủy cung cấp).
b) Sơ yếu lý lịch (theo mẫu do Ban Tổ chức Tỉnh ủy cung cấp). Trường hợp trúng tuyển cần bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp cho cơ quan sử dụng công chức.
c) Bản sao giấy khai sinh; bản sao căn cước công dân hoặc giấy tờ có giá trị tương đương.
d) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển (nộp bản sao có chứng thực và người dự tuyển phải mang bản chính để đối chiếu khi nộp hồ sơ).
Trường hợp văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt và cơ sở đào tạo nước ngoài phải được Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tính pháp lý của văn bằng.
đ) Giấy xác nhận quá trình công tác (theo mẫu, kèm hồ sơ tài liệu có liên quan), áp dụng đối với các vị trí việc làm có yêu cầu kinh nghiệm công tác.
e) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển.
g) Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức (nếu có) được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký 01 bộ hồ sơ vào 01 vị trí việc làm.
3. Nội dung thi tuyển
Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Kỳ thi tuyển công chức được thực hiện theo 02 vòng thi như sau:
a) Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung (Trường hợp người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì không phải thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung vòng 1).
– Hình thức thi: Thi trắc nghiệm trên giấy.
– Nội dung thi gồm 03 phần, cụ thể thời gian thi như sau:
+ Phần I: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ và các kiến thức khác để đánh giá năng lực. Thời gian thi 60 phút.
+ Phần II: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định. Thời gian thi 30 phút.
+ Phần III: Tin học, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút.
– Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2.
– Sau khi kết thúc thi vòng 1 sẽ tiến hành chấm thi, công bố kết quả vòng 1 và giải quyết phúc khảo (nếu có). Các thí sinh đạt vòng 1 sẽ được thông báo triệu tập dự thi vòng 2.
b) Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.
– Hình thức thi: Thi viết: thang điểm 100 điểm; thời gian thi 180 phút.
– Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
* Người đăng ký dự tuyển công chức được miễn thi một số môn trong kỳ thi tuyển công chức như sau:
– Miễn phần thi ngoại ngữ (vòng 1) đối với các trường hợp sau:
+ Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển.
+ Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định.
– Miễn phần thi tin học (vòng 1) đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin.
4. Cách xác định người trúng tuyển trong tuyển dụng công chức
a) Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau:
– Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên. Người dự thi phải dự thi đủ phần thi phỏng vấn và viết.
– Có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại mục 5 Kế hoạch này (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
b) Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại mục 5 Kế hoạch này (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng ở vị trí việc làm cần tuyển dụng thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì Hội đồng thi tuyển đề xuất Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng công chức khối Đảng, MTTQ và đoàn thể quyết định người trúng tuyển.
c) Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
5. Đối tượng và điểm ưu tiên trong tuyển dụng công chức
a) Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
b) Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 05 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
c) Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
Trường hợp người dự thi tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên quy định tại điểm a, b, c mục này thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm vòng 2.
IV. THỜI GIAN TỔ CHỨC THI TUYỂN
Dự kiến thực hiện trong Quý III năm 2024.
V. KINH PHÍ TỔ CHỨC THI TUYỂN
a) Kinh phí tổ chức thi tuyển được sử dụng từ nguồn thu lệ phí dự tuyển của thí sinh và ngân sách địa phương.
b) Mức thu lệ phí thi tuyển được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 92/2021/TTLT-BTC, ngày 28/10/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Tổ chức Tỉnh ủy có trách nhiệm tổ chức triển khai Kế hoạch tổ chức thi tuyển công chức đến các cơ quan đơn vị Khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội.
– Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng và các Ban giúp việc cho Hội đồng;
– Rà soát, thống kê, thẩm định và tổng hợp nhu cầu tuyển dụng công chức của các cơ quan, đơn vị.
– Thông báo kế hoạch, nhu cầu tuyển dụng, tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ dự tuyển và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định.
2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ nội dung Kế hoạch này và chỉ tiêu biên chế để đăng ký nhu cầu, chỉ tiêu thi tuyển công chức về Ban Tổ chức Tỉnh ủy để tổng hợp chung và tổ chức thi tuyển công chức theo Kế hoạch.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức thi tuyển công chức các cơ quan, đơn vị khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội năm 2024. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên hệ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy để được hướng dẫn cụ thể hoặc tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, giải quyết.
Nguồn tin: binhduong.gov.vn