Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương tuyển dụng viên chức sự nghiệp các đơn vị Khối Đảng, đoàn thể năm 2024

23/04/2024

– Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam;
– Căn cứ Luật Viên chức ngày 15/11/2010 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019;
– Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP;
– Căn cứ Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW, ngày 03/01/2023 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội;
– Căn cứ Quy chế làm việc số 11-QC/TU, ngày 19/5/2022 của Tỉnh ủy khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025;
– Căn cứ Thông báo số 757-TB/TU, ngày 12/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết luận và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại cuộc họp lần thứ 8 năm 2024;
Sau khi xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Tỉnh ủy tại Tờ trình số 838- TTr/BTCTU, ngày 10/4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch xét tuyển viên chức sự nghiệp các đơn vị Khối Đảng, đoàn thể năm 2024 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC
1. Mục đích, yêu cầu
Kịp thời tuyển dụng, bổ sung để xây dựng đội ngũ viên chức đảm bảo phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn phù hợp chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao của các đơn vị sự nghiệp khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức xét tuyển viên chức theo chỉ tiêu biên chế đã được giao và đảm bảo thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định.
2. Nguyên tắc
– Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật.
– Bảo đảm tính cạnh tranh.
– Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
– Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
– Ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số.
II. ĐỐI TƯỢNG XÉT TUYỂN
1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức
a) Có một quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam.
b) Từ đủ 18 tuổi trở lên.
c) Có đơn đăng ký dự tuyển.
d) Có lý lịch rõ rang.
đ) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm.
e) Đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
g) Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển viên chức
a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án.
b) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.

III. NỘI DUNG TỔ CHỨC XÉT TUYỂN
1. Nhu cầu xét tuyển
Thực hiện xét tuyển viên chức theo chỉ tiêu của các đơn vị sự nghiệp Khối Đảng, đoàn thể. Số lượng, vị trí việc làm các chức danh cần xét tuyển do Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp và thông báo theo quy định.
2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển
a) Phiếu đăng ký dự tuyển viên chức (theo mẫu do Ban Tổ chức Tỉnh ủy cung cấp).
b) Sơ yếu lý lịch (theo mẫu do Ban Tổ chức Tỉnh ủy cung cấp).
c) Bản sao giấy khai sinh; Bản sao hộ khẩu thường trú.
d) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển (nộp bản sao có chứng thực và người dự tuyển phải mang bản chính để đối chiếu khi nộp hồ sơ).
Trường hợp văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài hoặc cơ sở đào tạo trong nước liên kết với nước ngoài cấp (không thuộc diện cử tuyển của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) phải được công chứng dịch thuật sang tiếng việt và phải có giấy xác nhận của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
đ) Giấy xác nhận quá trình công tác (theo mẫu), áp dụng đối với các vị trí việc làm có yêu cầu kinh nghiệm công tác.
e) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển.
g) Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng viên chức (nếu có) được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
h) Hai phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ người nhận, số điện thoại liên lạc, hai ảnh 3x4cm ghi rõ họ tên, ngày sinh ở mặt sau.
Đối với các trường hợp hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội phải kèm theo tất cả Bản hợp đồng đã ký với đơn vị và bản sao sổ bảo hiểm xã hội, kèm bản nhận xét của đơn vị về kết quả thực hiện công việc trong thời gian hợp đồng.
3. Nội dung xét tuyển
Thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ và Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, ngày 07/12/2023 của Chính phủ, kỳ xét tuyển viên chức được thực hiện theo 02 vòng như sau:
a) Vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.
Trường hợp vị trí việc làm yêu cầu trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm, thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng phải thông báo cụ thể yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu có một trong các vãn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì được sử dụng thay thế. Nếu không có văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp, thì Hội đồng xét tuyển tổ chức sát hạch để đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí xét tuyển.
Hội đồng xét tuyển kiểm tra việc đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ theo thông tin người dự tuyển kê khai tại Phiếu đăng ký dự tuyển. Sau khi trúng tuyển, người trúng tuyển nộp bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 83/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
b) Vòng 2: Vấn đáp 30 phút (thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị, không tính vào thời gian thi để kiểm tra kiến thức về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp theo yêu cầu của vị trí việc làm của người dự tuyển. Điểm vấn đáp được tính theo thang điểm 100. Thời gian vấn đáp của một thí sinh tối đa là 30 phút.
Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả phỏng vấn.
4. Cách xác định người trúng tuyển trong tuyển dụng viên chức
a) Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức phải có đủ các điều kiện sau:
– Có kết quả điểm phỏng vấn đạt từ 50 điểm trở lên.
– Có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Khoản 5, Mục III Kế hoạch này (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
b) Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả điểm phỏng vấn cộng với điểm ưu tiên quy định tại Khoản 5, Mục III Kế hoạch này (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người trúng tuyển là người đạt kết quả thi phần kiến thức chung tại vòng 1 cao hơn (nếu có); nếu vẫn không xác định được thì Hội đồng tuyển dụng đề xuất Thường trực Tỉnh ủy quyết định người trúng tuyển.
c) Trường hợp đăng ký 02 nguyện vọng, nhưng không trúng tuyển ở nguyện vọng 1, thì được xét ở nguyện vọng 2 nếu vị trí việc làm đăng ký ở nguyện vọng 2 vẫn còn chỉ tiêu tuyển dụng sau khi đã xét hết nguyện vọng 1, bao gồm cả việc xét nguyện vọng của người có kết quả trúng tuyển thấp hơn liền kề theo quy định.
Trường hợp có 02 người trở lên bằng điểm nhau ở nguyện vọng 2, thì người trúng tuyển được xác định theo quy định tại điểm b, mục 4 Phần III Kế hoạch này.
Trường hợp vị trí việc làm vẫn còn chỉ tiêu tuyển dụng sau khi đã xét đủ 02 nguyện vọng, thì căn cứ vào kết quả thi, Hội đồng thi báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định tuyển dụng đối với người có kết quả tuyển dụng thấp hơn liền kề so với kết quả tuyển dụng của người trúng tuyển ở vị trí việc làm tại đơn vị khác, nhưng có cùng tiêu chuẩn, điều kiện với tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm tại đơn vị còn chỉ tiêu tuyển dụng, cùng Hội đồng thi, cùng áp dụng hình thức thi hoặc viết (vòng 2) và chung đề thi. Người được tuyển dụng trong trường hợp này phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.
d) Người không trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức không được bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ xét tuyển lần sau.
5. Đối tượng và điểm ưu tiên trong xét tuyển viên chức
a) Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
b) Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 05 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
c) Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
d) Cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
Trường hợp người dự thi tuyển hoặc dự xét tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm vòng 2.
IV. THỜI GIAN TỔ CHỨC XÉT TUYỂN
Dự kiến thực hiện trong Quý III năm 2024
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
a) Kinh phí tổ chức xét tuyển được sử dụng từ nguồn thu lệ phí dự tuyển của thí sinh và ngân sách địa phương.
b) Mức thu lệ phí xét tuyển được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 92/2021/TTLT-BTC, ngày 28/10/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Tổ chức Tỉnh ủy có trách nhiệm tổ chức triển khai Kế hoạch tổ chức xét tuyển viên chức đến các cơ quan đơn vị sự nghiệp Khối Đảng, đoàn thể
– Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng và các Ban giúp việc cho Hội đồng.
– Rà soát, thống kê, thẩm định và tổng hợp nhu cầu xét tuyển viên chức của các cơ quan, đơn vị.
– Thông báo kế hoạch, nhu cầu xét tuyển, tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ dự tuyển và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định.
2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ nội dung Kế hoạch này và chỉ tiêu biên chế để đăng ký nhu cầu, chỉ tiêu xét tuyển viên chức.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức xét tuyển viên chức đơn vị sự nghiệp Khối Đảng năm 2024.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên hệ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy để được hướng dẫn cụ thể hoặc tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, giải quyết.

Nguồn tin: binhduong.gov.vn