Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tuyển chọn thuyền viên
21/12/2023
Cục Cảnh sát giao thông xin thông báo công khai về tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng cần tuyển, thủ tục hồ sơ và địa điểm tiếp nhận hồ sơ của người đăng ký dự tuyển trên Cổng thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông (https://www.csgt.vn) như sau:
1. Chỉ tiêu tuyển chọn
1.1. Chỉ tiêu tuyển chọn thuyền viên làm việc trên tàu cỡ 25 tấn
– Thuyền trưởng hoặc thuyền phó: 03 chỉ tiêu;
– Máy trưởng: 03 chỉ tiêu;
– Thuỷ thủ: 06 chỉ tiêu;
– Thợ máy: 03 chỉ tiêu.
1.2. Chỉ tiêu tuyển chọn thuyền viên làm việc trên tàu cỡ 120 tấn
– Thuyền trưởng: 03 chỉ tiêu
– Đại phó: 03 chỉ tiêu
– Thủy thủ AB: 03 chỉ tiêu
– Máy trưởng: 03 chỉ tiêu
– Máy hai: 03 chỉ tiêu
– Sĩ quan máy: 03 chỉ tiêu
– Thợ máy trực ca AB: 03 chỉ tiêu
– Thợ máy trực OiLer: 03 chỉ tiêu.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện
2.1. Tiêu chuẩn, điều kiện chung
– Công dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân;
– Bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an;
– Có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt;
– Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển chọn;
– Có độ tuổi bảo đảm theo quy định;
– Đủ tiêu chuẩn sức khoẻ theo quy định của Bộ Công an, trong đó:
+ Chiều cao: Đối với nam từ 1m64 đến 1m95; đối với nữ từ 1m58 đến 1m80. Chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính bằng trọng lượng (đơn vị tính: ki-lô-gam) chia cho bình phương chiều cao (đơn vị tính: mét) đạt từ 18,5 đến 30.
+ Thị lực: Thị lực không kính mỗi mắt đạt 9-10/10, tổng thị lực 02 mắt đạt từ 18-20/10; nếu mắt bị tật khúc xạ thì không quá 03 đi-ốp, kiểm tra thị lực qua kính mắt đạt 9-10/10, tổng thị lực 02 mắt đạt 19-20/10 trở lên.
– Có hồ sơ đăng ký dự tuyển.
2.2. Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể
a) Thuyền viên trên tàu cỡ 25 tấn
– Thuyền trưởng hoặc thuyền phó: Có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng nhất, Chứng chỉ điều khiển phương tiện ven biển.
– Máy trưởng: Có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng hạng nhất, Chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện đi ven biển.
– Thuỷ thủ: Có Chứng chỉ thuỷ thủ trở lên, Chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện đi ven biển.
– Thợ máy: Có Chứng chỉ thợ máy trở lên, Chứng chỉ An toàn làm việc trên phương tiện đi ven biển.
b) Thuyền viên làm việc trên tàu cỡ 120 tấn
– Thuyền trưởng: Trình độ trung cấp trở lên chuyên ngành điều khiển tàu biển; tiếng Anh hàng hải trình độ 1 trở lên; hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; có thời gian đảm nhiệm chức danh đại phó tàu dưới 500GT hành trình gần bờ tối thiểu 24 tháng.
– Đại phó: Trình độ trung cấp trở lên chuyên ngành điều khiển tàu biển; tiếng Anh hàng hải trình độ 1 trở lên; hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; có thời gian đảm nhiệm chức danh sĩ quan boong tàu dưới 500 GT hành trình gần bờ tối thiểu 24 tháng.
– Thủy thủ AB: Có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thủy thủ trực ca OS (đối với trường hợp chưa có Giấy chứng nhận thì phải tốt nghiệp trình độ Cao đẳng trở lên chuyên ngành điều khiển tàu biển); Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản; có thời gian đi biển 18 tháng hoặc tập sự thủy thủ trực ca AB 12 tháng.
– Máy trưởng, máy hai: Trình độ Cao đẳng trở lên chuyên ngành khai thác máy tàu biển hoặc trình độ Trung cấp chuyên ngành khai thác máy tàu biển và hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; tiếng Anh hàng hải trình độ 2 trở lên; hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; đạt kết quả kỳ thi máy trưởng, máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW đến dưới 3000 kW. Đối với máy trưởng: có thời gian đảm nhiệm chức danh máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW đến dưới 3000 kW tối thiểu 24 tháng hoặc đảm nhiệm chức danh máy trưởng tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW tối thiểu 12 tháng và đảm nhiệm chức danh máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW đến dưới 3000 kW tối thiểu 12 tháng. Đối với máy hai: có thời gian đảm nhiệm chức danh sĩ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên tối thiểu 24 tháng.
– Sĩ quan máy: Trình độ Cao đẳng trở lên chuyên ngành khai thác máy tàu biển hoặc tốt nghiệp chương trình đào tạo sĩ quan hàng hải ngành khai thác máy tàu biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. Trường hợp tốt nghiệp trình độ Trung cấp chuyên ngành khai thác máy tàu biển thì phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. Tiếng Anh hàng hải trình độ 2 trở lên; đạt kết quả kỳ thi sĩ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên. Có thời gian thực tập được ghi trong “Sổ ghi nhận huấn luyện” tối thiểu 12 tháng theo chương trình huấn luyện đáp ứng các yêu cầu tại Mục A-III/1 của Bộ luật STCW hoặc có thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng trên tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên trong đó phải có ít nhất 06 tháng đảm nhiệm chức danh thợ máy trực ca AB. Trường hợp đã đảm nhiệm chức danh sĩ quan máy tàu có tổng công suất máy chính dưới 750 kW thì phải có ít nhất 06 tháng đi biển trên tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên.
– Thợ máy trực ca AB: Có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thợ máy trực ca Oiler hoặc tốt nghiệp Cao đẳng trở lên chuyên ngành khai thác máy tàu biển; có Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản; có thời gian đi biển 12 tháng hoặc tập sự thợ máy trực ca AB 06 tháng.
– Thợ máy trực Oiler: Trình độ Trung cấp trở lên chuyên ngành khai thác máy tàu biển hoặc hoàn thành các học phần lý thuyết theo chương trình đào tạo sĩ quan hàng hải ngành khai thác máy tàu biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành máy tàu biển trình độ sơ cấp phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ GTVT quy định; có Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản; có thời gian đi biển 06 tháng hoặc tập sự thợ máy trực ca Oiler 02 tháng.
3. Hồ sơ đăng ký dự tuyển, gồm:
a) Đơn tự nguyện phục vụ trong Công an nhân dân viết tay;
b) Bản Lý lịch tự khai (theo mẫu chung của Bộ Công an), không cần xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú;
c) Bản sao (có chứng thực) giấy khai sinh;
d) Bản sao (có chứng thực) văn bằng, chứng chỉ được đào tạo phù hợp với chỉ tiêu tuyển chọn và bảng điểm (có chứng thực) kết quả học tập toàn khóa (nếu có).
Trường hợp văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải dịch thuật sang tiếng Việt (có chứng thực) và được cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật;
đ) Giấy chứng nhận Đoàn viên, Đảng viên (nếu có);
e) Bản sao (có chứng thực) xác nhận đối tượng ưu tiên (công dân là con đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ;
– Công dân là con đẻ của: Thương binh, bệnh binh Công an nhân dân; cán bộ, công nhân Công an có quá trình công tác liên tục trong ngành Công an từ 15 năm trở lên; công dân là con đẻ của: Thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh, người nhiễm chất độc hoá học trong chiến tranh, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; công dân là người dân tộc thiểu số…) (nếu có).
g) Giấy chứng nhận sức khỏe do bệnh viện cấp huyện trở lên cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ;
h) 04 ảnh màu (4cm x 6cm) chụp trong 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
* Đối với các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, bổ sung các giấy tờ sau: Bản Lý lịch cán bộ, công chức, viên chức có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi công tác, làm việc; Bản đánh giá, nhận xét quá trình công tác có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công tác; Bản sao (có chứng thực) các quyết định về xếp lương, nâng bậc lương của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
4. Phương thức tuyển chọn
4.1. Việc tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân thực hiện thông qua phương thức xét tuyển, chia làm 02 đợt:
– Đợt 1: từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/6/2024;
– Đợt 2: từ ngày 01/7/2024 đến ngày 15/11/2024.
4.2. Quy trình:
– Vòng 1: Kiểm tra hồ sơ đăng ký dự tuyển.
– Vòng 2: Tổ chức sơ tuyển (sẽ có thông báo cho ngươi dự tuyển).
5. Thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ
– Thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển:
+ Đợt 1: Trong giờ hành chính từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/4/2024 (trừ thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ theo quy định).
+ Đợt 2: Trong giờ hành chính từ ngày 01/7/2024 đến ngày 30/9/2024 (trừ thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ theo quy định).
– Địa điểm tiếp nhận hồ sơ: Phòng 604, trụ sở Cục Cảnh sát giao thông (số 112 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).
Thông tin chi tiết liên hệ Cục Cảnh sát giao thông (qua đồng chí Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, điện thoại 0988567846) để hướng dẫn./.
Nguồn tin: csgt.vn