Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyển dụng viên chức năm học 2022-2023

12/12/2022

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;
Căn cứ Quyết định số 430/QĐ-SNV ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo năm học 2022-2023;
Căn cứ Kế hoạch số 4046/KH-SGDĐT ngày 02/12/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo năm học 2022-2023;
Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo Tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo năm học 2022- 2023, cụ thể như sau:

I. NHU CẦU VÀ HÌNH THỨC TUYỂN DỤNG
1. Nhu cầu tuyển dụng là: 50 (năm mươi) chỉ tiêu, gồm:
2.1. Nhu cầu tuyển dụng là: 50 (năm mươi) chỉ tiêu, gồm:
– Các trường trung học phổ thông, các trung tâm Giáo dục thường xuyên
+ Giáo viên: 30 chỉ tiêu
+ Nhân viên: 07 chỉ tiêu
– Các trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật và Nuôi dạy trẻ kiếm thị Hữu nghị
+ Giáo viên: 10 chỉ tiêu
+ Nhân viên: 03 chỉ tiêu
(Kèm theo bảng nhu cầu chi tiết)
2. Hình thức tuyển dụng
– Đối với vị trí giáo viên: Thi tuyển (Riêng trường THPT Võ Thị Sáu tại Côn Đảo hình thức tuyển dụng là xét tuyển).

– Đối với vị trí nhân viên: Xét tuyển.
3. Đăng ký dự tuyển
– Người dự tuyển chỉ được đăng ký nguyện vọng vào 01 vị trí việc làm (mã số đăng ký dự tuyển). Nếu người dự tuyển cố tình đăng ký vào 02 mã số đăng ký dự tuyển trở lên, Hội đồng tuyển dụng sẽ hủy bỏ việc đăng ký dự tuyển hoặc kết quả thi của người đó và không trả lại hồ sơ, lệ phí tuyển dụng.
– Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ xếp theo chức danh nghề nghiệp được quy định chi tiết tại bảng phụ lục đính kèm.
– Thí sinh được đào tạo chuyên ngành kép thì chỉ được đăng ký dự tuyển một trong hai môn. Ví dụ: thí sinh tốt nghiệp đại học sư phạm Toán – Tin thì được đăng ký dự tuyển môn Toán hoặc môn Tin.
II. ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TUYỂN DỤNG
2.1. Điều kiện đăng ký dự tuyển
2.1.1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:
a. Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
b. Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;
c. Có đơn đăng ký dự tuyển;
d. Có lý lịch rõ ràng;
đ. Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;
e. Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;
g. Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
2.1.2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển viên chức:
a. Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
b. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
2.2. Trình tự, thủ tục tuyển dụng và các nội dung liên quan đến tuyển dụng viên chức thực hiện theo quy định tại:
– Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 24/01/2014 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành quy định thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh.
– Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
2.3. Thông báo tuyển dụng, tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển, hoàn chỉnh hồ sơ dự tuyển
– Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo công khai thông tin tuyển dụng; thời gian đăng thông báo và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển là 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo;
– Phiếu đăng ký dự tuyển: được phát hành trên Website của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (http://tuyendung.bariavungtau.edu.vn).
– Đăng ký và tiếp nhận hồ sơ: từ ngày: 05/12/2022 đến 05/01/2023 (theo giờ hành chính, không kể thứ 7, chủ nhật)
+ Vào trang web: http://tuyendung.bariavungtau.edu.vn để đăng ký hồ sơ tuyển dụng trực tuyến;
+ Sau khi đăng ký thành công, người dự tuyển in và nộp phiếu đăng ký dự tuyển đến Phòng Tổ chức cán bộ – Sở Giáo dục và Đào tạo, số 198 Bạch Đằng, phường Phước Trung, Tp Bà Rịa để đối chiếu, nộp và nhận phiếu biên nhận;
– Mỗi người chỉ được đăng ký 01 hồ sơ, Sở GD-ĐT căn cứ vào số CCCD/CMND của thí sinh để xác nhận hồ sơ nộp hợp lệ.
2.4. Hồ sơ đăng ký dự tuyển
Mỗi thí sinh đăng ký dự tuyển viên chức nộp trực tiếp Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu và bao gồm các giấy tờ có liên quan như sau:
a. Bản sao có công chứng văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí việc làm đăng ký dự tuyển;
b. Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng viên chức (nếu có) được cơ quan có thẩm quyền cấp;
Hồ sơ đăng ký dự thi của mỗi thí sinh được đựng trong 1 túi đựng hồ sơ riêng. Lưu ý:
– Chỉ tiếp nhận hồ sơ của thí sinh đã được cấp bằng chuyên môn, nghiệp vụ.
– Trường hợp có văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp thì phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt và được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
– Thí sinh phải trực tiếp đến nộp hồ sơ tại Sở Giáo dục và Đào tạo (không nhờ người nộp hộ).

– Thí sinh trúng tuyển phải xuất trình bản chính để đối chiếu, kiểm tra.
– Hồ sơ dự tuyển không trả lại cho người đăng ký dự tuyển và không sử dụng để thi tuyển hoặc xét tuyển lần sau.
– Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào 01 (một) mã số đăng ký dự tuyển; nếu thí sinh đăng ký từ 02 mã số dự tuyển trở lên hoặc trong hồ sơ làm giả, khai không trung thực về văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập, chế độ ưu tiên, … sẽ bị loại hoặc hủy kết quả tuyển dụng.

III. TIÊU CHUẨN VỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP, ĐÀO TẠO, BỒI DƢỠNG, NĂNG LỰC CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ
3.1. Đối với chức danh giáo viên tiểu học
Người dự tuyển phải đủ điều kiện xếp vào chức danh giáo viên tiểu học hạng III, mã số V.07.03.29 – quy định tại Thông tư 02/2021/BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập.
a. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
– Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục tiểu học;
– Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;
– Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;
– Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục.
b. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
– Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
– Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng vào giáo viên tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).
c. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

– Nắm được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục tiểu học và triển khai thực hiện vào các nhiệm vụ được giao;
– Thực hiện giảng dạy, giáo dục bảo đảm chất lượng theo chương trình giáo dục, kế hoạch giáo dục của nhà trường;
– Vận dụng được kiến thức về giáo dục học và tâm sinh lý lứa tuổi vào thực tiễn giáo dục học sinh;
– Có khả năng áp dụng được các phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh;
– Có khả năng phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh;
– Thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để phát triển năng lực chuyên môn bản thân; biết áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục; hướng dẫn học sinh tự làm được đồ dùng dạy học;
– Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.
3.2. Đối với chức danh giáo viên trung học phổ thông
Người dự tuyển phải đủ điều kiện xếp vào chức danh giáo viên trung học hạng III, Mã số V.07.05.15 – Quy định tại Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập.
a. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
– Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục trung học phổ thông;
– Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;
– Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;
– Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục.
b. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
– Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học phổ thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
– Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (đối với giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học phổ thông hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).
c. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
– Nắm được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học phổ thông và triển khai thực hiện vào nhiệm vụ được giao;
– Biết xây dựng kế hoạch dạy học, xây dựng một số bài học theo chủ đề liên môn đối với những kiến thức giao thoa giữa các môn học; tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại, kĩ thuật dạy học, các mô hình dạy học mới tích hợp;
– Biết khai thác và sử dụng hiệu quả thiết bị công nghệ, thiết bị dạy học và học liệu trong dạy học, giáo dục và quản lí học sinh;
– Có khả năng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tư vấn tâm lý, hướng nghiệp, phát hiện tài năng, năng khiếu học sinh; hỗ trợ học sinh trong công tác giáo dục kỹ năng sống; tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh trường trung học phổ thông;
– Có khả năng dạy học qua internet, trên truyền hình theo chương trình môn học;
– Sử dụng được các phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
– Biết vận dụng các sáng kiến kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục học sinh hoặc làm đồ dùng, thiết bị dạy học cấp trung học phổ thông;
– Có khả năng hướng dẫn học sinh trung học phổ thông nghiên cứu khoa học kỹ thuật từ cấp trường trở lên;
– Có năng lực tự học, tự bồi dưỡng để phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân;
– Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng III và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.
3.3. Đối với chức danh kế toán viên
Người dự tuyển phải đủ điều kiện xếp vào chức danh Kế toán viên trung cấp (mã số 06.032) – quy định tại Thông tư số 29/2022/TT-BTC ngày 03/6/202 của Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.
a. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
– Nắm được các chế độ, quy định kế toán ngành, lĩnh vực; các quy định cụ thể về hình thức và phương pháp kế toán áp dụng trong đơn vị, trong ngành;
– Hiểu rõ và tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, nguyên lý kế toán, các chế độ tài chính, thống kê, các chuẩn mực kế toán và thông tin kinh tế có liên quan;
– Nắm được những nguyên tắc cơ bản về quy trình nghiệp vụ, quy trình luân chuyển chứng từ trong đơn vị;
– Có khả năng tiếp thu, nắm bắt các kỹ năng cần thiết như kỹ năng sử dụng máy tính, phần mềm kế toán, chứng từ điện tử; có khả năng tham gia triển khai theo đúng chỉ đạo của cấp trên;
– Sử dụng thành thạo các thiết bị văn phòng và các trang thiết bị khác phục vụ yêu cầu nhiệm vụ.
b. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính.
3.4. Đối với chức danh nhân viên văn thư
Người dự tuyển phải đủ điều kiện xếp vào chức danh nhân viên văn thư trung cấp, mã số 02.008 – quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư
a. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
– Nắm vững quy trình nghiệp vụ và các nhiệm vụ cụ thể của văn thư cơ quan theo quy định;
– Sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ yêu cầu nhiệm vụ
b. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên với ngành hoặc chuyên ngành văn thư hành chính, văn thư – lưu trữ, lưu trữ, lưu trữ và quản lý thông tin. Trường hợp có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.
3.5. Đối với chức danh nhân viên thư viện
Người dự tuyển phải đủ điều kiện xếp vào chức danh Thư viện viên hạng IV, Mã số: V.10.02.07 – quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL ngày 01/7/2022 của Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện
a. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ:
– Nắm được những quy định của pháp luật về công tác thư viện;
– Có kiến thức cơ bản về nghiệp vụ thư viện;
– Có năng lực hướng dẫn người sử dụng thư viện tiếp cận và khai thác thông tin, thư viện;
– Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ được giao;
– Sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ yêu cầu nhiệm vụ.
b. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
– Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành thông tin – thư viện. Trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin – thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.
– Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện.
3.6. Đối với chức danh nhân viên giáo vụ
Người dự tuyển phải đủ điều kiện xếp vào chức danh nhân viên giáo vụ, Mã số: V.07.07.21 – quy định tại Thông tư 07/2019/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương nhân viên giáo vụ trong trường phổ thông dân tộc nội trú (cấp huyện và cấp tỉnh); trường trung học phổ thông chuyên; trường dự bị đại học và trường dành cho người khuyết tật công lập.
a. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
– Chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định của ngành;
– Trung thực, khách quan, có ý thức trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của cán bộ viên chức; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp và học sinh;
– Thực thi nhiệm vụ theo đúng quy chế, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật.
b. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
– Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục cấp học đang công tác;

– Thực hiện có hiệu quả kế hoạch, chương trình giáo dục của nhà trường;
– Có năng lực quản lý hồ sơ của nhà trường liên quan đến học sinh;
– Có kỹ năng theo dõi, quản lý và hỗ trợ học sinh;
– Có kỹ năng phối hợp tổ chức thi, kiểm tra của nhà trường;
– Có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc;
– Có kỹ năng giao tiếp với giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trong thực thi nhiệm vụ.
c. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
– Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng các chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm giáo vụ) trở lên;
– Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT- BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
– Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;
– Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ.
3.7. Đối với chức danh nhân viên hỗ trợ khuyết tật
Người dự tuyển phải đủ điều kiện xếp vào chức danh Nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật (hạng IV) – Mã số: V.07.06.16 – Quy định tại Thông tư liên tịch số 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 22/6/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập.
a. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
– Có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, tích cực cải tiến, đúc rút kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao;
– Thương yêu, tôn trọng và đối xử công bằng đối với người khuyết tật; hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật;
– Có trách nhiệm hợp tác với đồng nghiệp, gia đình người khuyết tật và các tổ chức, cá nhân khác trong việc hỗ trợ giáo dục người khuyết tật;
– Thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với môi trường giáo
dục.
b. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

– Có kiến thức hiểu biết về pháp luật, thực hiện pháp luật trong nhà trường và văn hóa học đường;
– Có hiểu biết về đặc điểm, nhu cầu của người khuyết tật; công tác hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và các chính sách của Nhà nước, của ngành, của địa phương liên quan đến công tác hỗ trợ giáo dục người khuyết tật;
– Thực hiện hoặc phối hợp thực hiện được nội dung chương trình hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo cấp học;
– Vận dụng được kiến thức và kĩ năng chuyên môn cơ bản vào thực tiễn hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật;
– Có kĩ năng hỗ trợ, tư vấn, tham gia, phối hợp với giáo viên, gia đình và cộng đồng trong giáo dục người khuyết tật.
c. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
– Có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trở lên; hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các ngành: sư phạm, y tế, công tác xã hội, tâm lí và có chứng chỉ nghiệp vụ về hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
– Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 (A1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
– Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin.

IV. NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI TUYỂN, XÉT TUYỂN VÀ XÁC ĐỊNH NGƯỜI TRÚNG TUYỂN
4.1. Nội dung, hình thức thi tuyển viên chức: thực hiện theo 02 vòng thi như sau:
4.1.1 Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức chung
a) Hình thức thi: Thi trắc nghiệm trên giấy.
b) Nội dung thi gồm 3 phần, thời gian thi như sau:
Phần I: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết về pháp luật viên chức, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng. Thời gian thi 60 phút;
Phần II: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định. Thời gian thi 30 phút;

Phần III: Tin học, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút.
c) Miễn phần thi ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:
Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;
Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
d) Miễn phần thi tin học đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin.
đ) Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi quy định tại điểm b khoản này, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2.
4.1.2. Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành
a. Hình thức: thực hành giảng dạy 01 tiết trên lớp.
b. Thời gian thực hành:
+ Giáo viên Tiểu học: không quá 40 phút/tiết.
+ Giáo viên THPT: không quá 45 phút/tiết.
c. Thang điểm: 100 điểm.
* Thí sinh đăng ký thi vào chức danh giáo viên trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn thì sẽ thực hành giảng dạy tại trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
4.2. Nội dung, hình thức xét tuyển viên chức: thực hiện theo 02 vòng như sau:
– Vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu
cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.
– Vòng 2: Phỏng vấn trực tiếp thí sinh, thời gian không quá 30 phút/thí sinh.
4.3. Xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức
– Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức phải có đủ các điều kiện sau:

a. Có kết quả điểm phỏng vấn hoặc thực hành đạt từ 50 điểm trở lên;
b. Có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên theo quy định (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

Trường hợp có 02 người trở lên có tổng số điểm tính theo quy định bằng nhau (sau khi đã cộng điểm ưu tiên nếu có) ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển.
* Đối tượng và điểm ưu tiên trong tuyển dụng viên chức: theo quy định tại Điều 6 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ:
+ Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
+ Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
+ Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
Trường hợp người dự thi tuyển hoặc dự xét tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên quy định tại Điều 6 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm vòng 2.

I.      TRÌNH TỰ, THỜI GIAN DỰ KIẾN THỰC HIỆN

Kế hoạch tuyển dụng được thực hiện với trình tự, thời gian dự kiến cụ thể như sau:

TT Nội dung thực hiện Thời gian dự kiến
1. Ban hành Kế hoạch tuyển dụng 03/12/2022
2. Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận phiếu đăng ký 05/12/2022-

05/01/2023

3. Kiểm tra điều kiện tiêu chuẩn người dự tuyển 04 ngày (09/01- 12/01/2023)
4. Thông báo danh sách và triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi 13/01/2023

Đối với vị trí giáo viên: Thi tuyển

TT Nội dung thực hiện Thời gian dự kiến
a.1 Thi kiểm tra kiến thức chung 01/02/2023
a.2 Công bố kết quả thi vòng 1 02/02/2023
a.3 Nhận đơn phúc khảo 17/02/2023
a.4 Chấm thi phúc khảo 20/02/2023
a.5 Thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện dự vòng 2 21/02/2023
a.6 Tổ chức thực hành, phỏng vấn 24/02/2023

06/03/2023

a.7 Tổng hợp kết quả vòng 2 07/03/2023
a.8 Trình phê duyệt kết quả 08/03/2023
a.9 Ban hành Quyết định công nhận kết quả tuyển dụng tuyển 10/03/2023
a.10 Thông báo công nhận kết quả trúng tuyển 13/03/2023

Đối với vị trí nhân viên và giáo viên trường THPT Võ Thị Sáu – Côn Đảo:

Xét tuyển

TT Nội dung thực hiện Thời gian dự kiến
b.1 Tổ chức sát hạch: phỏng vấn 01/02/2023
b.2 Công bố kết quả phỏng vấn 02/02/2023
b.4 Trình phê duyệt kết quả 03/02/2023
b.5 Ban hành Quyết định tuyển dụng 06/02/2023
b.6 Thông báo công nhận kết quả trúng tuyển 07/02/2023

VI. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM PHÁT HÀNH, NHẬN PHIẾU ĐĂNG KÝ VÀ TỔ CHỨC THI

1.   Thời gian nhận phiếu đăng ký: từ ngày 05/12/2022 đến hết ngày 05/01/2023.

Mẫu Phiếu đăng ký dự thi (Mẫu số 01 đính kèm Thông báo này) được đăng trên trang thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Địa chỉ: http://tuyendung.bariavungtau.edu.vn
Vào trang web: http://tuyendung.bariavungtau.edu.vn để đăng ký hồ sơ tuyển dụng trực tuyến. Sau khi đăng ký thành công, người dự tuyển mang hồ sơ đến Phòng Tổ chức cán bộ – Sở Giáo dục và Đào tạo, số 198 Bạch Đằng, phường Phước Trung, Tp Bà Rịa để đối chiếu, nộp hồ sơ và nhận phiếu biên nhận.

Mỗi người chỉ được đăng ký 01 hồ sơ, Sở GD-ĐT căn cứ vào số CMND của thí sinh để xác nhận hồ sơ nộp hợp lệ.
– Tất cả thông tin liên quan đến công tác thi tuyển viên chức được Sở Giáo dục và Đào tạo đăng công khai tại Trang thông tin điện tử của Sở tại địa chỉ http://tuyendung.bariavungtau.edu.vn, đề nghị các thí sinh đăng ký tham dự thường xuyên cập nhật để biết thông tin.

2. Địa điểm nhận phiếu đăng ký dự thi:
Phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo; địa chỉ: số 198 Bạch Đằng, phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa; nhận hồ sơ trong giờ làm việc.
3. Thời gian, địa điểm tổ chức thi: Hội đồng tuyển dụng sẽ thông báo danh sách và triệu tập thí sinh trên trang thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Địa chỉ: http://bariavungtau.edu.vn và niêm yết công khai tại Sở Giáo dục và Đào tạo, số 198 Bạch Đằng, phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa.
Dự kiến thời gian thi: ngày 01/02/2023; tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, số 59 đường Hùng Vương, phường Phước Hưng, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
VII. LỆ PHÍ THI TUYỂN
Thực hiện theo Thông tư số 92/2021/TT-BTC ngày 28/10/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Thời gian nộp lệ phí dự thi và mức thu: sẽ được thông báo cùng thông báo thí sinh đủ điều kiện dự thi.
Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo việc tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo trực thuộc Sở năm học 2022-2023 đến các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan được biết, thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các cá nhân, cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo – Phòng Tổ chức cán bộ, số điện thoại 02543.854619 để được hướng dẫn.

***** Tệp đính kèm:

Phụ lục chi tiết

Phiếu đăng ký dự tuyển

Nguồn tin: bariavungtau.edu.vn