Trường Đại học Mỏ – Địa chất tuyển dụng viên chức năm 2024
01/11/2024
Trường Đại học Mỏ – Địa chất ban hành Thông báo tuyển dụng thường xuyên viên chức, cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
Tuyển người có năng lực, trình độ đặc biệt là nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm để bổ sung, tăng cường cho các đơn vị trong Trường, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
2. Yêu cầu
– Việc tuyển dụng viên chức phải bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phù hợp và đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng.
– Quy trình tuyển dụng viên chức phải bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan, cạnh tranh và đúng quy định của pháp luật.
– Tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
II. Nội dung thực hiện
Cơ sở pháp lý
– Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
– Nghị định 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
– Quyết định số 465/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2023 – 2025 cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc;
– Công văn số 2579/BGDĐT-TCCB ngày 31/5/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc số lượng người làm việc năm 2024;
– Nghị quyết số 98/NQ-HĐT ngày 26/4/2022 của Hội đồng trường Trường Đại học Mỏ – Địa chất về việc ban hành Quy định tuyển dụng, sử dụng, quản lý và xử lý kỷ luật viên chức, người lao động của Trường Đại học Mỏ – Địa chất;
– Nghị quyết số 106/NQ-HĐT ngày 26/4/2022 của Hội đồng trường Trường Đại học Mỏ – Địa chất về việc ban hành Quy định về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc Trường Đại học Mỏ – Địa chất;
– Nghị quyết số 19/NQ-HĐT ngày 21/4/2023 của Hội đồng trường Trường Đại học Mỏ – Địa chất về việc ban hành Danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện làm việc của từng vị trí việc làm trong trong Trường Đại học Mỏ – Địa chất giai đoạn 2023 – 2025;
– Nghị quyết số 81/NQ-HĐT ngày 02/8/2024 của Hội đồng trường Trường Đại học Mỏ – Địa chất về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án vị trí việc làm giai đoạn 2023 – 2025;
– Kế hoạch số 435/KH-MĐC ngày 20/8/2024 của Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất về việc ban hành Kế hoạch tuyển dụng năm 2024.
2. Điều kiện, tiêu chuẩn chung
Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:
a) Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
b) Từ đủ 18 tuổi trở lên.
c) Có đơn đăng ký dự tuyển;
d) Có lý lịch rõ ràng;
đ) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu, kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;
e) Đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;
g) Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm.
3. Đối tượng và chỉ tiêu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
3. 1. Cán bộ, viên chức, người lao động, nhà giáo, nhà khoa học có học hàm giáo sư, phó giáo sư; người có bằng tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, nghiên cứu sinh đã có quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở thuộc danh mục các ngành đào tạo mới theo chiến lược phát triển của Nhà trường, cụ thể:
a) Ngôn ngữ Anh;
b) Ngôn ngữ Trung Quốc;
c) Luật Kinh tế;
d) Ngành nghề khác theo đề xuất của Hội đồng Khoa/Viện và tương đương, phù hợp với định hướng cơ cấu ngành nghề đào tạo của Nhà trường, xu thế và nhu cầu xã hội trong thời gian tới mà nguồn nhân lực hiện tại không đáp ứng được và được Hiệu trưởng phê duyệt.
3.2. Bác sĩ đa khoa (có chứng chỉ hành nghề).
3.3. Giảng viên, nhà khoa học có năng lực và trình độ chuyên môn đáp ứng vị trí việc làm mà Nhà trường đang có nhu cầu, thỏa mãn một trong 02 tiêu chí sau:
a) Về công bố quốc tế trong 05 năm gần nhất: là tác giả chính của tối thiểu 5 công bố SCIE (đối với khối ngành kỹ thuật) và 02 AHCI/SSCI (đối với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn), trong đó ít nhất 03 công bố thuộc nhóm tạp chí Q1/Q2 (đối với khối ngành kỹ thuật) và ít nhất 01 công bố thuộc nhóm tạp chí Q1/Q2 (đối với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn); chỉ số H-index (theo cơ sở dữ liệu Scopus) tối thiểu là 8 (đối với khối ngành kỹ thuật) và tối thiểu là 04 (đối với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn);
b) Đã chủ trì thành công 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc 02 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ.
4. Những người không được đăng ký dự tuyển viên chức
a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.
5. Số lượng vị trí việc làm cần tuyển
Vị trí việc làm cần tuyển dụng, số lượng người cần tuyển ở từng vị trí việc làm xem Phụ lục số 01 kèm theo Thông báo này.
6. Hình thức tuyển dụng
Tùy từng trường hợp cụ thể, người thuộc quy định tuyển dụng thường xuyên nêu trong văn bản này có thể áp dụng thoe các hình thức sau: Xét tuyển hoặc tiếp nhận vào viên chức.
Xét tuyển đối với người dự tuyển có trình độ Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học và đảm bảo quy định (nhưng không thuộc trường hợp tiếp nhận vào viên chức)
6.1 Xét tuyển viên chức
Xét tuyển viên chức được thực hiện theo 02 vòng như sau:
6.1.1. Vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.
Trường hợp vị trí việc làm yêu cầu trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì Nhà trường sẽ thông báo cụ thể yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu có một trong các văn bằng, chứng chỉ theo quy định thì được sử dụng thay thế đối với vị trí việc làm yêu cầu trình độ ngoại ngữ. Nếu không có văn bằng, chứng chỉ phù hợp thi Hội đồng xét tuyển tổ chức sát hạch để đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng.
6.1.2. Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành
a) Hình thức thi: Căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, Hiệu trưởng lựa chọn một trong ba hình thức thi: Vấn đáp hoặc thực hành hoặc viết.
Trường hợp lựa chọn hình thức thi viết thì được lựa chọn một trong ba hình thức: Trắc nghiệm hoặc tự luận hoặc trắc nghiệm kết hợp với tự luận.
b) Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành phải căn cứ vào nhiệm vụ, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp viên chức và phải phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì Hội đồng tuyển dụng viên chức phải tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Các công việc liên quan đến việc ra đề thi phải thực hiện bảo mật theo quy định của pháp luật.
c) Thời gian thi: Vấn đáp 30 phút (thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị, không tính vào thời gian thi); viết 180 phút (không kể thời gian chép đề); thời gian thi thực hành do Hiệu trưởng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm cần tuyển.
d) Thang điểm (vấn đáp, thực hành, viết): 100 điểm.
6.2 Tiếp nhận vào viên chức
6.2.1 Điều kiện đăng ký dự tuyển
Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, Hiệu trưởng xem xét tiếp nhận vào làm viên chức đối với các trường hợp sau:
a) Người có đủ 05 năm công tác trở lên đang làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được thành lập theo quy định của pháp luật.
Thời gian công tác quy định tại điểm này là thời gian làm chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tính thời gian tập sự theo quy định.
Trường hợp thời gian tập sự, thử việc tại công việc đang làm theo quy định của pháp luật ít hơn thời gian tập sự của công việc được tiếp nhận quy định thì thời gian chênh lệch ít hơn này được tính vào thời gian tập sự.
Trường hợp có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn.
b) Cán bộ, công chức cấp xã đang làm công việc phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận.
c) Người đã từng là cán bộ, công chức, viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền quyết định bằng văn bản chuyển công tác đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác nhưng vẫn làm công việc phù hợp với vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận.
d) Người tốt nghiệp tiến sĩ trở lên (được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định) đang làm việc tại cơ quan, tổ chức có trụ sở hoặc chi nhánh được thành lập ở nước ngoài hoặc tại cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở hoặc chi nhánh được thành lập ở Việt Nam, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đủ 03 năm công tác trở lên làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận.
đ) Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của pháp luật, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.
6.2.2 Quy trình xem xét tiếp nhận vào viên chức
Khi xem xét tiếp nhận vào viên chức không giữ chức vụ quản lý đối với các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b và điểm đ khoản 6.2.1 Mục này, Hiệu trưởng thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch và tiến hành thực hiện các nhiệm vụ sau:
Kiểm tra về các điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng, chứng chỉ của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận.
Trường hợp vị trí việc làm không yêu cầu về trình độ ngoại ngữ thì không phải thực hiện sát hạch ngoại ngữ.
Lưu ý: Không thực hiện quy trình xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d Khoản 6.2.1 Mục này.
7. Hồ sơ dự tuyển và địa chỉ và địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển và hồ sơ dự tuyển
7.1 Hồ sơ dự tuyển bao gồm:
– Phiếu đăng ký dự tuyển (Mẫu số 01 kèm theo Thông báo này).
– Bản sao công chứng các văn bằng, chứng chỉ có liên quan
Trong trường hợp các văn bằng đại học, sau đại học do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp, người trúng tuyển phải nộp giấy công nhận, văn bằng của Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cấp theo quy định. Đối với văn bằng được miễn thủ tục công nhận văn bằng theo quy định, người trúng tuyển phải nộp các tài liệu chứng minh văn bằng được miễn thủ tục công nhận văn bằng theo quy định.
– 4 ảnh 4×6.
– Các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan (nếu có).
7.2. Địa chỉ và địa điểm tiếp nhận
Người đăng ký dự tuyển nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Tổ chức – Cán bộ (số điện thoại: 0243.8386439, đồng chí Đoàn Nguyễn Thanh Hương nhận), phòng 306 nhà C12 tầng, Trường Đại học Mỏ – Địa chất, số 18 phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội hoặc gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ nêu trên. Thời gian nhận hồ sơ: trong giờ hành chính (buổi sáng từ 8h00 -12h00, buổi chiều từ 13h00 – 17h00 các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần).
Lưu ý: Trường hợp có hành vi gian lận trong việc kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định thì sẽ bị hủy kết quả tuyển dụng. Mọi chi tiết xin liên hệ: Phòng Tổ chức – Cán bộ (số điện thoại: 0243.8386439), phòng 306 nhà C12 tầng, Trường Đại học Mỏ – Địa chất, số 18 phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
*****Tệp đính kèm:
Nguồn tin: humg.edu.vn