Trường Đại học Nha Trang tuyển dụng viên chức năm 2023
07/12/2023
Căn cứ Luật Viên chức năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02/12/2020 của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;
Căn cứ Thông tư số 92/2021/TT-BTC ngày 28/10/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức;
Căn cứ Nghị quyết số 07/NQ-ĐHNT ngày 10/02/2022 của Hội đồng trường Trường Đại học Nha Trang ban hành danh mục vị trí việc làm tại Trường Đại học Nha Trang;
Căn cứ Nghị quyết số 22/NQ-ĐHNT ngày 31/10/2023 của Hội đồng trường Trường Đại học Nha Trang phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng viên chức năm 2023;
Trường Đại học Nha Trang ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2023 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tuyển chọn nguồn nhân lực có đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm, vào làm việc tại các đơn vị thuộc Trường Đại học Nha Trang.
2. Yêu cầu
– Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, dân chủ, chất lượng và đúng pháp luật để lựa chọn được những người có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
– Phải căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn của chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng; căn cứ vào số lượng người làm việc được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.
– Thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các quy định hiện hành của pháp luật về tuyển dụng viên chức.
II. NHU CẦU TUYỂN DỤNG
1. Tình hình sử dụng số người làm việc năm 2023
– Tổng số lượng người làm việc năm 2023 của Trường Đại học Nha Trang được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao là 642 người (không bao gồm số hợp đồng lao động theo quy định của Nghị định số 111/2022/NĐ-CP).
– Tổng số viên chức đang làm việc của Trường Đại học Nha Trang (số liệu tính đến 30/11/2023) là: 574 người.
– Tổng số người làm việc chưa sử dụng là: 68 người.
– Tổng số người làm việc cần tuyển dụng năm 2023 là: 53 người.
2. Số lượng người làm việc cần tuyển dụng viên chức năm 2023
Số lượng viên chức cần tuyển: 53 người, trong đó: 37 giảng viên và 16 viên chức hành chính (Có bảng số lượng, vị trí, tiêu chuẩn điều kiện của từng vị trí cần tuyển dụng kèm theo Kế hoạch này).
1. Người có đủ các điều kiện sau đây, không phân biệt dân tộc, giới tính thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, được đăng ký dự tuyển viên chức của Trường Đại học Nha Trang:
a) Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
b) Từ đủ 18 tuổi trở lên đến dưới 40 tuổi (đối với người có trình độ tiến sĩ thì không quá 45 tuổi);
c) Có Phiếu đăng ký dự tuyển;
d) Có lý lịch rõ ràng;
đ) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hoặc chứng chỉ nghiệp vụ và các điều kiện khác phù hợp với vị trí việc làm đăng ký dự tuyển (được mô tả chi tiết tại phụ lục đính kèm kế hoạch này); có năng lực ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; đáp ứng các điều kiện khác của vị trí dự tuyển phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm.
e) Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển
a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.
IV. HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG TUYỂN DỤNG
1. Hình thức tuyển dụng: Thi tuyển
2. Nội dung thi tuyển:
2.1 Vòng 1: thi kiểm tra kiến thức chung. Hình thức thi trắc nghiệm trên giấy.
a) Nội dung thi gồm 3 phần:
Phần I: Kiến thức chung, gồm 60 câu hỏi hiểu biết về Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học; Luật Phòng, Chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những hiểu biết cơ bản về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển. Thời gian thi 60 phút.
Phần II: Ngoại ngữ, gồm 30 câu hỏi là một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do Hiệu trưởng quyết định. Thời gian thi 30 phút. Năng lực ngoại ngữ trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) đối với thí sinh dự thi như sau:
– Thí sinh dự tuyển chức danh giảng viên: năng lực ngoại ngữ tương đương bậc 4 (B2);
– Thí sinh dự tuyển các chức danh không phải giảng viên: năng lực ngoại ngữ tương đương bậc 3 (B1);
Phần III: Tin học, gồm 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút.
b) Miễn phần thi ngoại ngữ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ
đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;
– Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
c) Miễn phần thi Tin học đối với người đăng ký dự tuyển có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin.
d) Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi quy định tại điểm a khoản này, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2.
2.2 Vòng 2: Thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành. Hình thức thi: vấn đáp hoặc thực hành (Hội đồng thi thông báo cụ thể hình thức thi, tiêu chí tính điểm cụ thể đến từng thí sinh tương ứng vị trí việc làm dự tuyển).
Tài liệu ôn tập: Hội đồng tuyển dụng sẽ thông báo công khai sau khi hết thời hạn thu nhận hồ sơ.
V. CHẾ ĐỘ ƯU TIÊN
Thực hiện theo quy định của pháp luật về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng viên chức.
VI. XÁC ĐỊNH NGƯỜI TRÚNG TUYỂN
1. Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức phải có đủ các điều kiện sau:
– Có kết quả điểm thi vòng 2 đạt từ 70 điểm trở lên đối với người dự tuyển chức danh giảng viên; đạt từ 50 điểm trở lên đối với người dự tuyển các chức danh khác;
– Có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Điều 6 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
2. Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng viên chức tổ chức phỏng vấn trực tiếp và báo cáo đầy đủ kết quả để Hiệu trưởng quyết định người trúng tuyển.
VII. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TIẾP NHẬN
1. Hồ sơ đăng ký dự tuyển
a) Phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu tại phụ lục của Nghị định 115/2020/NĐ-CP);
b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và bảng điểm học tập theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Đối với văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải kèm theo Giấy công nhận văn bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, văn bằng và bảng điểm được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt;
c) Giấy chứng nhận sức khỏe trong thời hạn 06 tháng (tính đến ngày hết hạn nhận hồ sơ dự tuyển) do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;
d) Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng viên chức (nếu có) được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực;
đ) Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (kèm bản chính để đối chiếu), 02 ảnh cỡ 4×6 (ảnh chụp không quá 01 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ), dán trên Phiếu đăng ký dự tuyển và Giấy chứng nhận sức khoẻ.
2. Thời gian và địa điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức
a) Thời hạn nhận hồ sơ: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo tuyển dụng và đăng tải thông báo trên phương tiện thông tin báo chí.
b) Thời gian nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 (sáng 7g30 -11g00; chiều 14g00 đến 16g30)
c) Địa điểm nhận hồ sơ: Phòng Tổ chức – Nhân sự, Trường Đại học Nha Trang, số 02 Nguyễn Đình Chiểu, Nha Trang, Khánh Hòa (Phòng 109, gặp chuyên viên Trịnh Ngọc Hà).
VIII. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC TUYỂN DỤNG
1. Thời gian tổ chức thi
– Tổ chức vòng 1: Dự kiến tổ chức thi trong tháng 01 năm 2024.
– Tổ chức vòng 2: Dự kiến tổ chức thi trong tháng 02 và tháng 3 năm 2024. (Chi tiết lịch biểu sẽ thông báo đến thí sinh sau khi hết thời hạn nhận hồ sơ)
2. Địa điểm: Trường Đại học Nha Trang
Lưu ý: Nếu có thay đổi về thời gian và địa điểm tổ chức tuyển dụng, Trường Đại học Nha Trang sẽ thông báo công khai trên trang web của Trường tại địa chỉ: www.ntu.edu.vn
IX. KINH PHÍ TỔ CHỨC TUYỂN DỤNG
1. Kinh phí tổ chức tuyển dụng viên chức: sử dụng từ nguồn thu phí dự tuyển của thí sinh theo quy định. Trường hợp nguồn thu phí không đủ chi cho các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch tuyển dụng này, Phòng TC-NS phối hợp Phòng KH-TC lập dự toán báo cáo Hiệu trưởng phê duyệt bổ sung kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp trước ít nhất 05 ngày tổ chức thi vòng I.
2. Mức thu phí: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 92/2021/TT-BTC ngày 28/10/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức. Lệ phí dự tuyển như sau:
a) Dưới 100 thí sinh: 500.000 đồng/thí sinh/lần.
b) Từ 100 thí sinh đến dưới 500 thí sinh: 400.000 đồng/thí sinh/lần.
c) Từ 500 thí sinh trở lên: 300.000 đồng/thí sinh/lần.
Tạm thu 500.000 đồng/thí sinh/lần (dưới 100 thí sinh), trường hợp có sự thay đổi về số lượng thí sinh dự tuyển sẽ điều chỉnh lại mức lệ phí theo đúng quy định.
3. Thí sinh đã nộp phí dự tuyển, đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nhưng không tham gia thi tuyển sẽ không được hoàn trả phí dự tuyển.
X. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức và các Ban giúp việc
a) Hội đồng tuyển dụng viên chức: Hiệu trưởng quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 115/2020/NĐ CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.
b) Các Ban giúp việc: Hiệu trưởng thành lập Ban Giám sát; Hội đồng tuyển dụng viên chức quyết định thành lập Ban kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển, Ban đề thi, Ban Phách, Ban Coi thi và thành lập Tổ thư ký giúp việc.
2. Giao Trưởng phòng TC-NS tham mưu Hiệu trưởng ban hành:
– Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển.
– Quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức.
– Quyết định thành lập các Ban giúp việc.
– Quyết định thành lập Ban Giám sát tuyển dụng viên chức.
– Lưu trữ hồ sơ của kỳ tuyển dụng; triển khai các công việc liên quan đến công tác tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc đối với người trúng tuyển.
3. Hội đồng tuyển dụng viên chức: có trách nhiệm triển khai việc tuyển dụng viên chức theo đúng kế hoạch này; quyết định thành lập các Ban giúp việc; mời Ban Giám sát công tác tuyển dụng viên chức tham gia giám sát trong quá trình thi tuyển viên chức đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định.
4. Phòng Kế hoạch Tài chính
Thẩm định dự toán và trình Hiệu trưởng phê duyệt cấp bổ sung kinh phí tuyển dụng; hướng dẫn Phòng TC-NS quản lý, sử dụng kinh phí kỳ tuyển dụng viên chức năm 2023 theo đúng quy định của pháp luật.
5. Trung tâm Phục vụ trường học
– Bố trí cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyển dụng theo yêu cầu của Hội đồng tuyển dụng;
– Lập phương án đảm bảo an ninh trật tự, y tế, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… đảm bảo cho kỳ tuyển dụng diễn ra an toàn.
6. Phòng Thanh tra – Pháp chế
– Tổ chức công tác kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng;
– Giúp Hiệu trưởng giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo (nếu có).
7. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Trường và viên chức, người lao động của Trường
– Trưởng đơn vị thông báo công khai kế hoạch tuyển dụng, thông báo tuyển dụng đến toàn thể viên chức, người lao động trong đơn vị;
– Phối hợp với Phòng TC-NS thực hiện các nội dung liên quan đến công tác tuyển dụng theo phân công của Hiệu trưởng hoặc Hội đồng tuyển dụng viên chức;
– Trưởng đơn vị có trách nhiệm cử viên chức tham gia các ban giúp việc của Hội đồng theo đề nghị của Hội đồng tuyển dụng;
– Toàn thể viên chức, người lao động tại các đơn vị tham gia chuyển thông tin tuyển dụng đến rộng rãi đến các đối tác, cơ quan, đơn vị ngoài trường để thu hút đông đảo thí sinh ứng tuyển (nhất là những vị trí việc làm khó tuyển dụng), nhằm tăng sức cạnh tranh và thu hút người có chuyên môn cao về Trường công tác.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị đơn vị, cá nhân phản ánh đến Hiệu trưởng (qua Phòng TC-NS để tổng hợp báo cáo) xem xét giải quyết.
*****Tài liệu đính kèm:
Nguồn tin: ntu.edu.vn