word-the-cao

25 câu hỏi và đáp án thi công chức môn Kiến thức chung năm 2017

Giá: 20,000

Câu 1: Anh/Chị hãy trình bày khái niệm và bản chất của hệ thống chính trị ở Việt Nam?

Trả lời:

Khái niệm hệ thống chính trị ở Việt Nam:

Theo nghĩa rộng, khái niệm “hệ thống chính trị” được sử dụng để chỉ toàn bộ lĩnh vực chính trị của đời sống xã hội với tư cách là một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm các tổ chức, các chủ thể chính trị, các quan điểm, quan hệ chính trị, hệ tư tưởng và các chuẩn mực chính trị.

Theo nghĩa hẹp, khái niệm “hệ thống chính trị” được sử dụng để chỉ hệ thống các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động mang tính chính trị trong xã hội gồm nhân dân, các tổ chức chính trị, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội có mối liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với quyền lực chính trị. Trong đó, nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị và là nền tảng của hệ thống chính trị.

Bản chất của hệ thống chính trị ở nước ta

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, nhân dân ta đã đứng lên làm cách mạng, giành lấy quyền lực và tổ chức ra hệ thống chính trị của mình. Như đã nêu trên, hệ thống chính trị xuất hiện cùng với sự xuất hiện của giai cấp, nhà nước, thực hiện đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền, do đó nó mang bản chất, lý tưởng chính trị và phản ánh lợi ích của giai cấp cầm quyền. Vì vậy, hệ thống chính trị ở nước ta có những bản chất sau:

Một là, hệ thống chính trị ở nước ta mang bản chất của giai cấp công nhân, nghĩa là các tổ chức trong hệ thống chính trị đều đứng trên lập trường quan điểm của giai cấp công nhân.

Bản chất giai cấp công nhân quy định chức năng, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị, đảm bảo quyền làm chủ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Hai là, bản chất dân chủ của hệ thống chính trị ở nước ta thể hiện ở chỗ: tất cả quyền lực thuộc về nhân dân với Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng – đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, thiết lập sự thống trị của đa số nhân dân với thiểu số bóc lột.

Ba là, bản chất thống nhất không đối kháng của hệ thống chính trị ở nước ta. Bản chất đó dựa trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, về sự thống nhất giữa những lợi ích căn bản của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc.

Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xét về mặt cơ cấu bao gồm: Đảng cộng sản, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, hoạt động theo một cơ chế nhất định dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, sự quản lý của Nhà nước nhằm thực hiện quyền lực chính trị của nhân dân, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu: “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

Câu 2: Anh/Chị hãy trình bày vai trò của nhân dân trong việc thực hiện quyền lực chính trị?

Trả lời:

Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, là lực lượng quyết định quá trình cải biến xã hội. Vai trò quyết định của nhân dân thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:

– Nhân dân là lực lượng chủ yếu sản xuất ra của cải vật chất và của cải tinh thần, góp phần quyết định vào sự tồn tại và phát triển của xã hội.

– Nhân dân là chủ thể của mọi quá trình cải biến xã hội.

– Lợi ích của nhân dân là động lực cơ bản của cách mạng xã hội, của những quá trình cải biến xã hội.

Sự tham gia của nhân dân vào đời sống chính trị vừa với t­ư cách từng cá nhân, vừa có tính nhóm cộng đồng, vừa thông qua những tổ chức, cơ quan mà họ là những thành viên. Với nhiều phương thức khác nhau, nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp tác động vào cơ cấu chính trị và cơ cấu quyền lực chính trị của xã hội. Nhân dân tham gia vào các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội… và thông qua hoạt động của các tổ chức này chi phối quyền lực nhà nước ở các mức độ khác nhau, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của tổ chức, cộng đồng và bản thân. Nhân dân tham gia vào đời sống chính trị với nhiều hình thức như­: thông qua hoạt động bầu cử đại biểu vào các cơ quan quyền lực nhà nước, hoạt động trưng cầu ý kiến cử tri vào những chính sách, quyết định của nhà nước, hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức…

Hệ thống chính trị là một hệ thống các thiết chế và thể chế gắn liền với quyền lực chính trị của nhân dân và để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do nhân dân giao phó và uỷ quyền. Như vậy, về thực chất hệ thống chính trị không phải là một hệ thống tổ chức có quyền lực tự thân, quyền lực của hệ thống chính trị bắt nguồn từ quyền lực của nhân dân, phát sinh từ sự ủy quyền của nhân dân.

Ở chế độ ta, nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử và chính họ là chủ thể duy nhất, tối cao của quyền lực chính trị. Do đó, toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của các tổ chức trong hệ thống chính trị là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Đồng thời trong một chính thể dân chủ, việc thực hiện quyền lực chính trị đòi hỏi phải bảo đảm tính thống nhất của quyền lực đồng thời loại bỏ mọi nguy cơ độc quyền quyền lực từ bất kỳ một tổ chức hay lực lượng chính trị nào. Vì vậy, việc thực hiện quyền lực chính trị luôn cần đến sự phân công, phối hợp giữa các tổ chức trong việc thực hiện quyền quyết định đường lối chính trị, quyền thi hành đường lối chính trị và quyền kiểm tra, giám sát đối với việc quyết định đường lối chính trị và thực thi đường lối chính trị. Điều này có ý nghĩa quan trọng bảo đảm cho quyền lực chính trị luôn phục vụ lợi ích và ý chí của nhân dân, ngăn ngừa nguy cơ lạm quyền, tha hoá quyền lực làm phương hại đến quyền lực của nhân dân.

Tất cả quyền lực chính trị đều thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực của mình chủ yếu thông qua Nhà nước, Nhà nước quản lý xã hội chủ yếu bằng pháp luật, dư­ới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài Nhà nước, nhân dân thực hiện quyền lực chính trị thông qua tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội và thông qua tư cách cá nhân công dân, cử tri tham gia vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vào việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì lợi ích xã hội, lợi ích tổ chức và cá nhân. Qua đó phấn đấu thực hiện một mục đích: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.