– Tài liệu dài 125 trang word.
– Tham khảo tài liệu:
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP THI TUYỂN CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
NĂM 2017
—————-
I. NỘI DUNG ÔN THI MÔN KIẾN THỨC CHUNG
Phần thứ nhất
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM
1. Khái niệm hệ thống chính trị
Hệ thống chính trị là một chỉnh thể các tổ chức chính trị hợp pháp trong xã hội, bao gồm Đảng chính trị, nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội được liên kết với nhau trong một hệ thống tổ chức, nhằm tác động vào các quá trình của đời sống xã hội; củng cố, duy trì và phát triển chế độ chính trị phù hợp với lợi ích của giai cấp cầm quyền[1].
2. Các yếu tố cấu thành hệ thống chính trị Việt Nam
– Đảng Cộng sản Việt Nam;
– Nhà nước CHXHCN Việt Nam;
– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội
3. Bản chất, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước CHXHCN Việt Nam
3.1. Bản chất của hệ thống chính trị nước CHXHCN Việt Nam
Hệ thống chính trị nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thể hiện bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là cơ chế thực thi quyền lực chính trị trong bối cảnh giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông nhân và đội ngũ trí thức trở thành giai cấp cầm quyền.
Như vậy, hệ thống chính trị nước CHXHCN Việt Nam là công cụ để thực hiện, bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và toàn thể nhân dân lao động, là công cụ để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
3.2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước CHXHCN Việt Nam
– Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
– Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.
– Nguyên tắc tập trung dân chủ.
– Nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
4. Đặc điểm hệ thống chính trị Việt nam
4.1. Có tính nhất nguyên về chính trị
– Chế độ chính trị Việt Nam là thể chế chính trị do một đảng cầm quyền.
– Các tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng sáng lập và lãnh đạo nhằm tổ chức, đoàn kết tập hợp nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và qua đó đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình.
– Có sự nhất nguyên về hệ tư tưởng chính trị, đó là Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
4.2. Có tính thống nhất
– Do một Đảng duy nhất lãnh đạo.
– Thống nhất về mục tiêu chính trị là bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
– Thống nhất về nguyên tắc tổ chức và hoạt động, đó là nguyên tắc tập trung dân chủ.
– Thống nhất về hệ thống tổ chức.
4.3. Gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân
Đây là đặc điểm có tính nguyên tắc của Hệ thống chính trị Việt nam. Nó khẳng định Hệ thống chính trị Việt Nam không chỉ gắn với chính trị, quyền lực chính trị mà còn gắn với xã hội. Trong hệ thống chính trị có các tổ chức chính trị như Đảng, Nhà nước, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Do vậy hệ thống chính trị không đứng trên xã hội, tách khỏi xã hội (như những lực lượng chính trị áp bức xã hội trong các xã hội có bóc lột) mà là một bộ phận của xã hội, gắn bó với xã hội. Cầu nối quan trọng giữa hệ thống chính trị với xã hội chính là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội. Sự gắn bó mật thiết giữa các tổ chức chính trị xã hội với nhân dân được thể hiện trên các yếu tố sau:
– Đây là quy luật tồn tại của Đảng, là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng cầm quyền.
– Nhà nước là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
– Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội là hình thức tập hợp, tổ chức của chính các tầng lớp nhân dân.
– Hệ thống chính trị là trường học dân chủ của nhân dân. Mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị là phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
4.4. Có sự kết hợp giữa tính giai cấp và tính dân tộc
– Đặc điểm nổi bật của hệ thống chính trị Việt Nam là hệ thống chính trị đại diện cho nhiều giai cấp, tầng lớp nhân dân. Các giai cấp, tầng lớp nhân dân được đại diện bởi các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân. Do vậy, hệ thống chính trị của nước ta mang bản chất giai cấp công nhân và tính dân tộc sâu sắc.
– Lịch sử chính trị Việt Nam là cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, gắn liền và bắt đầu từ mục tiêu bảo vệ và giải phóng dân tộc. Các giai cấp, dân tộc đoàn kết trong đấu tranh giải phóng nền độc lập dân tộc, hợp tác để cùng phát triển. Sự tồn tại của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là thành viên quan trọng của hệ thống chính trị là yếu tố quan trọng tăng cường sự kết hợp giữa giai cấp và dân tộc.
– Sự kết hợp giữa tính giai cấp và tính dân tộc được khẳng định trong bản chất của từng tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã gắn kết vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị. Sự phân biệt giữa dân tộc và giai cấp mang tính tương đối và không có ranh giới rõ ràng.
[1]Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH TWĐCS Việt Nam Khóa XI