Từ ngày 30/5/2023, giáo viên sẽ được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) được bổ nhiệm.
Quy định này được Bộ GD&ĐT hướng dẫn tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 và nhận được sự đồng tình ủng hộ của đại đa số đội ngũ nhà giáo.
Gốc rễ vấn đề là chính sách tiền lương
Cô Phạm Thị Hạnh, giáo viên tiểu học tỉnh Đắk Nông có 29 năm đứng trên bục giảng. Năm 2022, ngành Giáo dục nơi cô công tác thực hiện xếp lại ngạch lương theo Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT. Thời điểm đó, cô Hạnh nhận thấy có nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện, dẫn đến thiệt thòi cho nhiều giáo viên, nhất là giáo viên công tác lâu năm.
Cô Hạnh viện dẫn, đầu năm 2022, một số giáo viên tốt nghiệp đại học đã và đang công tác, giữ ngạch giáo viên hạng II, hệ số lương 3,0; 3,33; 3,66. Họ được đề nghị xếp vào bậc 1 của bảng lương viên chức hạng II, giữ hệ số 4,0. Một số giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00.
Về việc này, cô Hạnh thấy băn khoăn nên đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tư hướng dẫn. Nay Bộ GD&ĐT đã ban Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, theo đó giáo viên sẽ được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp. Quy định này phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho giáo viên.
Thầy Huỳnh Bá Hiếu, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Giồng Riềng (Kiên Giang) nhớ lại, thời điểm Bộ GD&ĐT ban hành chùm Thông tư 01-04, mong mỏi lớn nhất là khi thực hiện giáo viên sẽ được xếp lương theo CDNN tương ứng; từ đó sẽ cải thiện thu nhập cho đội ngũ nhà giáo.
Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa thể triển khai thực hiện bổ nhiệm và xếp lương mới do những bất cập, không hợp lý. Thầy Hiếu tin tưởng, Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 30/5/2023 sẽ tháo gỡ những khó khăn mà các địa phương và giáo viên đang gặp phải.
Trao đổi về vấn đề tiền lương nhà giáo, GS.TSKH Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục không khỏi xót xa khi nhiều giáo viên lương thấp, không đủ sống. Có giáo viên mầm non mới ra trường thu nhập chưa đầy 3,5 triệu/tháng. Lương thấp nên nhiều thầy, cô phải bán hàng online hoặc “chân ngoài dài hơn chân trong” để bám trụ với nghề. Lương thấp nên chưa tạo được động lực thu hút giáo viên dạy giỏi, thậm chí nhiều giáo viên phải bỏ nghề dù vẫn rất yêu nghề. Gốc rễ của vấn đề vẫn là chính sách tiền lương.
“Tôi rất mừng khi Thông tư 08 được ban hành, sẽ phần nào giải quyết được những tâm tư, khúc mắc của giáo viên. Tất nhiên mọi khó khăn không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều” nhưng đây là nguồn động viên cho đội ngũ nhà giáo cả nước” – GS.TSKH Phạm Minh Hạc bày tỏ.
Tháo gỡ khó khăn
Đồng quan điểm, bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khoá XIV, nhận định, Thông tư 08 sẽ giúp giáo viên giải tỏa tâm lý về việc xếp lương tương ứng với hạng CDNN. Bởi suốt thời gian qua, các thầy cô đã lên tiếng nhiều về những bất cập nảy sinh trong thực tiễn. Nay đã được gỡ khó nên giáo viên hân hoan chào đón.
Trao đổi về quy định, giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng CDNN được bổ nhiệm, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, khi các Thông tư số 01 – 03 được địa phương triển khai thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc như:
Thứ nhất, giáo viên mầm non khi chưa đạt các tiêu chuẩn của CDNN hạng II mới thì được bổ nhiệm CDNN hạng III mới và chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A0 (2,10). Tuy nhiên, Thông tư số 01 chưa hướng dẫn cụ thể việc xếp lương trong trường hợp này.
Thứ hai, giáo viên tiểu học, THCS khi đạt tiêu chuẩn để bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0) thì những giáo viên đang được hưởng hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33, 3,66, 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan liên quan, lấy ý kiến hơn 580 nghìn giáo viên mầm non, phổ thông và quyết định vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng CDNN nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành.
Quy định này bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung: Thứ nhất, khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn: Trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề. Không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.
Thứ hai, trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của CDNN hiện đang được xếp theo Thông tư liên tịch số 20, 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì được bổ nhiệm vào CDNN tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.
Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết. Đồng thời, khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00. Việc này cũng bảo đảm thống nhất quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.
Nguồn: giaoducthoidai.vn