Nhiều giáo viên mong muốn bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Nên áp dụng hình thức xét duyệt
Gần 30 năm công tác, cô Lê Thị Hồng An – giáo viên Trường tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội) đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng II cũ. Nay cô đã làm hồ sơ để được xét sang ngang hạng II mới.
“Hồ sơ tôi đã nộp đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện quy trình thẩm định. Hiện, tôi chưa nhận được phản hồi nào từ phía cơ quan chức năng, hy vọng là thuận buồn xuôi gió” – cô An bày tỏ.
Cô An cho biết, nhiều đồng nghiệp không đủ điều kiện do không đủ 9 năm có bằng đại học. Đây là bất cập cần được tháo gỡ, tránh áp lực và bức xúc không đáng có cho giáo viên.
Thay vì tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nên chăng áp dụng hình thức xét duyệt với các tiêu chí, tiêu chuẩn tường minh, rõ ràng, minh bạch. Bởi đây là sự đãi ngộ, ghi nhận những cống hiến của giáo viên.
“Nhiều địa phương xét tuyển thăng hạng cho giáo viên. Chúng tôi cũng mong được như vậy để có sự đồng bộ giữa các địa phương” – cô An bộc bạch. Đây cũng là mong mỏi của nhiều giáo viên, để những nơi chưa thực hiện việc chuyển hạng cũ sang hạng mới cũng như thăng hạng cho giáo viên có cơ sở áp dụng.
Mới đây, hơn 2.000 giáo viên các cấp tại Hà Nội cùng xác nhận tâm thư với mong muốn lãnh đạo TP Hà Nội bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Trong số giáo viên gửi thư kiến nghị, 100% đề xuất nguyện vọng được xét tuyển.
Gửi thư về Báo Giáo dục & Thời đại, thầy giáo Nguyễn Vũ Trí một giáo viên THCS viết, thầy vào ngành từ năm 2008, đã có bằng đại học từ năm 2018 và có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II.
Ngoài ra, thầy có nhiều bằng khen, giấy khen, chiến sỹ thi đua, tham gia chấm thi học sinh giỏi cấp huyện nhiều năm và có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh trong nhiều năm.
Hiện thầy Trí làm tổ trưởng chuyên môn nhưng chỉ là giáo viên THCS hạng III, trong khi đó nhiều đồng nghiệp có bằng đại học trước năm 2012 đã được bổ nhiệm giáo viên THCS hạng II; thậm chí họ có ít hoặc không có thành tích.
“Tôi thấy bất công trong việc xếp hạng. Làm sao có thể giúp giáo viên chúng tôi, không để tình trạng bất cập như trên. Những giáo viên hạng III chúng tôi rất lấy làm tủi thân (bằng cấp như nhau, trách nhiệm như nhau, khối lượng công việc như nhau, năng lực như nhau mà người hạng II người hạng III” – thầy Trí viết trong thư.
Cần tháo gỡ
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có giải đáp một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT liên quan bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Liên quan đến đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên, Bộ GD&ĐT cho biết, các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức các ngành/lĩnh vực thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Theo đó, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét (khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức 2010 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP).
Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.
Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GD&ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng chức danh nghề nghiệp trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Việc xác định tổng thời gian giữ hạng (đủ từ 9 năm) để làm căn cứ bổ nhiệm, chuyển xếp từ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II cũ sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II mới còn chưa thực hiện thống nhất ở một số nơi. Một số địa phương yêu cầu 9 năm này phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học.
Liên quan đến nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, điều kiện để giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II mới là có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ từ 9 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).
Trong đó, Bộ GDĐT không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là đại học đối với tổng thời gian giữ hạng này. Do đó, việc một số địa phương yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng.
Nguồn tin: giaoducthudo.giaoducthoidai.vn